Vì sao Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị bắt?
Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị cáo buộc nhận tiền để cấp phép thành lập các trung tâm đăng kiểm, sau đó được chung chi hàng tháng, hàng quý.
Ngày 11/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo cảnh sát, việc bắt ông Đặng Việt Hà nằm trong kế hoạch mở rộng điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm do Công an TP.HCM thực hiện.
Nhận tiền hàng tháng
Phát biểu tại họp báo do Công an TP.HCM tổ chức, thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, đã chỉ ra hành vi sai phạm của các cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo điều tra, ngay từ lúc đầu, để thành lập trung tâm đăng kiểm, các bị can thuộc các đơn vị kiểm định xe cơ giới đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các phòng ban và Cục trưởng Cục đăng kiểm để được cấp giấy phép.
Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, các trung tâm đăng kiểm đều chi tiền cho cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban và ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục đăng kiểm.
Cục trưởng Đặng Việt Hà bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: T.L.
Công an TP.HCM nhận định sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm là có hệ thống, xuyên suốt, diễn ra trong thời gian dài liên quan các nhân viên, ban giám đốc các trung tâm đăng kiểm và đặc biệt là Cục trưởng Cục đăng kiểm.
Cùng bị bắt về tội danh Nhận hối lộ như ông Hà còn có các bị can Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới), Phạm Đức Ngọc (chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới).
Theo cảnh sát, 3 cán bộ này cũng nhận tiền từ các trung tâm đăng kiểm để giúp thành lập trung tâm cũng như bỏ qua lỗi sai phạm của các ôtô để cấp giấy kiểm định. "Hành vi phạm tội của ông Hà và 3 cán bộ Cục đăng kiểm là giống nhau, tuy nhiên mức độ và số tiền nhận hối lộ là khác nhau", một cán bộ điều tra cho biết.
Rà soát, xử lý các trung tâm đăng kiểm vi phạm trên cả nước
Vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm được Công an TP.HCM phát hiện từ tháng 10/2022. Khi đó, lực lượng CSGT TP.HCM đã chặn dừng xe tải 50H-100.20 trên đường để kiểm tra thành thùng và giấy kiểm định phương tiện.
Qua kết quả đo thành thùng phương tiện về chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với sổ giấy kiểm định, phương tiện này không khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm kiểm định 62-03D cấp. Thấy có dấu hiệu tội phạm, Phòng PC08 lấy lời khai tài xế, chủ xe và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu sai phạm.
Đến nay, Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm bao gồm: 5 Trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; 8 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.
Cơ quan điều tra đã khởi tố, ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 84 bị can về các tội: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Trong đó có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và môi giới.
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: T.L.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra sai phạm liên quan đến các trung tâm đăng kiểm, xử lý các hành vi nhận hối lộ, giả mạo trong công tác.
Bên cạnh đó, Công an TP.HCM sẽ cùng các đơn vị rà soát tổng thể các trạm đăng kiểm; phối hợp với các đơn vị liên quan, công an các địa phương để xử lý những trạm đăng kiểm vi phạm trên địa bàn cả nước.