Triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia

Công an tỉnh Thái Bình cho biết vừa triệt phá đường dây người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Vương quốc Campuchia.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN phát

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 12/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Các đối tượng gồm: Trần Việt Bắc (sinh năm 1993), Trần Đình Hoàng (sinh năm 1990), cùng trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1999, trú tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thu Trà (sinh năm 2002), trú tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Trịnh Đức Thắng (sinh năm 1999), Phạm Văn Đối (sinh năm 1990), cùng trú tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; Hoàng Xuân Lâm (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1999), cùng trú tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Nguyễn Đắc Huấn (sinh năm1993), trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội; Trần Thị Lĩnh (sinh năm 1990). trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đào Thanh Tùng (sinh năm 1991), Đặng Văn Mạnh (sinh năm 1994), Đào Văn Long (sinh năm 1997), Đào Văn Hiểu (sinh năm 1981), Đặng Văn Vinh (sinh năm 1996), Đào Anh Tuấn (sinh năm 1997), Đào Xuân Minh (sinh năm 1996), Trần Văn Ngọc (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1997), cùng trú tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo nói trên hoạt động phạm tội có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ nước ta để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô đặc biệt lớn. Các đối tượng giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam liên lạc với bị hại, thông báo bị hại bị giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo. Sau đó, các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt... Với thủ đoạn đó, từ tháng 11 đến hết tháng 12/2022, đường dây lừa đảo nói trên đã chiếm đoạt tổng số trên 28 tỷ đồng.

Tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN phát

Tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN phát

Hiện Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố Thái Bình phối hợp với các đơn vị mở rộng điều tra vụ án, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến từ số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó, nhất là không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan (như căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng); không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua mạng.

Lượt xem: 4
Tác giả: Sơn Hải
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...