Thủ đoạn 'moi' dữ liệu thuê bao từ Viettel, Mobifone và Vinaphone
Cựu công an Trần Mạnh Quân làm giả công văn của CQĐT gửi nhà mạng để lấy thông tin thuê bao, còn Bùi Việt Anh dùng tài khoản do Vinaphone cấp để truy cập hệ thống lấy dữ liệu.
Chiều 15/3, TAND Hà Nội phạt bị cáo Trần Mạnh Quân (cựu cán bộ Công an quận Long Biên, Hà Nội) tổng mức án 6 năm tù về các tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Liên quan vụ án, Bùi Việt Anh (Phó trưởng Trung tâm an ninh mạng thuộc Tổng công ty hạ tầng mạng VNPT.Net) bị phạt 30 tháng tù về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Cắt dán chữ ký thủ trưởng cơ quan điều tra vào công văn
Với việc các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi, HĐXX xác định bị cáo Trần Mạnh Quân quen Bùi Việt Anh từ khoảng năm 2016 thông qua việc tra cứu thông tin số điện thoại các nhà mạng để phục vụ công tác của Quân.
Năm 2019, Việt Anh nhiều lần nhờ Quân lấy giúp thông tin các thuê bao Viettel và Vinaphone để bán cho người khác bằng cách gửi Quân số điện thoại cần lấy thông tin. Để làm được việc này, cựu công an đã tự ý thêm các số điện thoại mà Việt Anh nhờ tra cứu vào công văn của CQĐT gửi các nhà mạng, rồi đưa cho lãnh đạo ký.
8 bị cáo lĩnh các mức án từ 20 tháng tù treo đến 6 năm tù. Ảnh: N.H.
Ngoài ra, Quân làm giả công văn, cắt dán chữ ký của thủ trưởng đơn vị. Sau đó, anh ta tự đóng dấu cơ quan rồi gửi các nhà mạng Viettel, Mobifone bằng cách thuê xe ôm hoặc trực tiếp gửi cho văn thư nhà mạng.
Trong tổng số 50 công văn gửi Viettel và 176 công văn gửi Mobifone, cơ quan tố tụng Hà Nội xác định 142 tài liệu do bị cáo làm giả. Số còn lại (84 công văn) đang được tiếp tục làm rõ. Theo cơ quan tố tụng, Quân đã thu thập dữ liệu của hơn 1.000 số điện thoại để bán cho Việt Anh.
Sau mỗi lần nhận được thông tin đã tra cứu, Việt Anh trả cho Quân 1-4 triệu đồng. Tổng số tiền mà cựu công an nhận được là 254 triệu đồng. Quân khai chi khoảng 55 triệu đồng cho 2 nhân viên Viettel, khoảng 160 triệu đồng cho nhân viên Mobifone. Tuy nhiên, khi công an triệu tập làm việc, các nhân viên của 2 nhà mạng khai họ cung cấp thông tin cho Quân theo yêu cầu của công văn, không ai nhận tiền như lời Quân khai.
Bán dữ liệu thuê bao di động cho công ty thám tử
Đối với bị cáo Bùi Việt Anh, người này được Vinaphone cấp một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống dữ liệu nhà mạng. Năm 2019, khi nhóm của Tỉnh hỏi mua dữ liệu, Việt Anh đã vào hệ thống này, nhập số điện thoại cần lấy thông tin để trích xuất, rồi bán cho Tỉnh với giá 500.000-1 triệu đồng/1 thông tin.
Ngoài mua dữ liệu 350 số điện thoại của Mobifone từ bị cáo Quân, Việt Anh còn mua của Trần Quốc Thanh (Trưởng phòng thuộc Ban khai thác mạng, Tổng công ty viễn thông Vinaphone) thông tin 20 số điện thoại; mua từ Trịnh Văn Thái dữ liệu 29 số thuê bao Viettel và Trần Vũ Minh Hải thông tin 4 số điện thoại Mobifone...
Còn 3 bị cáo Phạm Ngọc Tỉnh (Giám đốc Công ty TNHH 247 Việt Nam), Nguyễn Thế Hùng (nhân viên của Tỉnh) và Nguyễn Bắc Tích (Giám đốc Công ty TNHH Toàn Tâm) thành lập các công ty thám tử, rồi tìm mua thông tin định vị số điện thoại, lịch sử cuộc gọi và tài khoản ngân hàng để bán và phục vụ kinh doanh.
Từ năm 2019 đến tháng 12/2021, nhóm của Tỉnh đã mua hơn 700 thông tin liên quan đến số điện thoại các nhà mạng. Sau đó, các bị cáo bán lại cho người khác hoặc sử dụng dữ liệu thông định vị điện thoại cho hoạt động thám tử.
Theo hồ sơ, sau khi mua được thông tin các số thuê bao, Tỉnh và đồng phạm mua bán dữ liệu cho nhau và bán cho nhiều người khác để sử dụng cho dịch vụ thám tử. Ngoài ra, Nguyễn Bắc Tích còn khai mua bán thông tin về biển số ôtô, xe máy và thông tin sao kê tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, các bị can không còn lưu giữ chứng cứ.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Minh (lao động tự do, lĩnh 20 tháng tù treo) được xác định đã mua hơn 800 thông tin thuê bao di động, danh sách cuộc gọi, thông tin hộ khẩu, ảnh chân dung và chứng minh thư nhân dân để bán kiếm lời. Khi điều tra, cơ quan chức năng triệu tập nhiều người mua dữ liệu từ bị cáo. Tuy nhiên, họ vắng mặt tại nơi cư trú nên cảnh sát tách tài liệu để xử lý sau.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Tiến Thành (làm dịch vụ về SIM điện thoại, lĩnh 18 tháng tù) được xác định sử dụng đã đăng nhập hệ thống của Viettel và Vinaphone. Sau đó, anh ta thu thập dữ liệu thuê bao, chụp màn hình rồi gửi cho bị cáo Minh.
Xác minh tại Viettel, cơ quan điều tra làm rõ tài khoản của Thành chỉ được phép làm các dịch vụ nhà mạng, không lấy được thông tin chủ thuê bao. Còn tại Vinaphone, Thành dùng SIM Eload mua của hội nhóm trên mạng xã hội.
Đối với bị cáo Ma Duy Thanh, cơ quan tố tụng xác định anh ta được Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang cấp tài khoản hệ thống của đơn vị. Từ đây, Thanh đăng nhập, chụp kết quả dữ liệu rồi gửi cho Minh.