Sẽ bổ sung quy định về hình thức livetream trên mạng
Sẽ bổ sung quy định hình thức livestream trên mạng như: Chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livetream; Phải cung cấp thông tin thời gian và nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế..
Chưa quan tâm đúng mức tới quản lý mạng xã hội
Sáng 4/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng Bộ TT&TT chưa quan tâm đúng mức tới quản lý mạng xã hội, khi có vụ việc xảy ra mới thanh tra, kiểm tra nên tình trạng "báo hoá mạng xã hội và mạng xã hội thì hoá báo"; Cũng như chậm xử lý vụ việc bà Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin thiếu kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm tới uy tín nhiều tổ chức, cá nhân.
"Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để ra tình trạng này thế nào, giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?"- đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Hoàng Anh nêu câu hỏi chất vấn |
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Phương Hằng. Ông cho hay, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và hiện đã xử lý hình sự.
Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho hayG, Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định hình thức livestream trên mạng như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livetream, phải cung cấp thông tin thời gian và nếu bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...
Không gian mạng gây lối sống ảo
Quan tâm tới văn hóa trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) nhìn nhận, văn hóa trên không gian mạng có tác động cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên nhìn từ góc độ giáo dục thì tác động nguy hại có chiều hướng ngày càng gia tăng, len lỏi vào nhà trường gây ra lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có quan tâm đến vấn đề này không, giải pháp xây dựng văn hóa mạng- giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga chất vấn Bộ trưởng |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận "đây là câu chuyện nhức nhối".
Ông cho hay, nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo, không ai biết mình là ai, nên phát ngôn thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 tới đây, khi được ban hành sẽ quy định nhà mạng phải xác thực được danh tính người dân khi đăng ký dùng mạng, để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính người đó. Đây là giải pháp manh mẽ để người dân có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng.
Theo Bộ trưởng, cần tạo lập văn hóa cho môi trường sống mới, từng bước xây dựng văn hoá số. Bước đầu tiên là cần bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và sẽ đánh giá sơ kết thực hiện vào năm sau. "Căn cơ nhất thì vẫn cần đi cả hai chân, pháp trị và đức trị, tức là dùng pháp luật và văn hoá, giáo dục", ông Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận |
Chưa đồng tình phần trả lời của Bộ trưởng Hùng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) giơ biển tranh luận. Ông cho rằng những giải pháp Bộ trưởng nêu ra chưa đầy đủ, không thể xây dựng văn hóa mạng tốt và văn minh được.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cần quan tâm hơn và phải coi việc xây dựng văn hóa tốt, văn minh là một công việc rất quan trọng, cần làm tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, đến nơi đến chốn hơn.
“Bộ trưởng đề cập đến một bộ quy tắc ứng xử sẽ gửi các Bộ, ngành để xây dựng cụ thể và triển khai, đây là việc làm tốt nhưng chưa đủ vì người gây rối, người chọc ngoáy, người gây kích động những điều thiếu văn hóa phần lớn không làm việc ở các Bộ, ngành mà ở bên ngoài, thậm chí ở nước ngoài”- đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời chất vấn |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng văn hoá mạng rất rộng và nhiều việc cần làm. Bộ quy tắc ứng xử mẫu của Bộ Thông tin & Truyền thông ngoài áp dụng cho cơ quan công quyền và các tổ chức khác có thể coi là mẫu tham khảo.
Quy tắc ứng xử cần tuyên truyền rộng rãi để "ngấm” vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân và cách tốt nhất là dùng nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, văn hoá, đưa vào nhà trường.