Người thầy khiến môn Toán không còn khô khan với trò
Hơn 26 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Khánh Hoàn, giáo viên Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn học tập và sáng tạo ra các giải pháp cho riêng mình nhằm giúp học sinh có thêm tình yêu và niềm say mê đối với môn Toán.
Với sáng kiến "Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế", thầy giáo Nguyễn Khánh Hoàn đã giúp học sinh hứng thú hơn với các giờ học Toán.
Thầy Hoàn và học sinh trường THCS Trần Phú |
Thời điểm nào để tạo hứng thú với môn Toán?
Khẳng định Toán học rất gần gũi và thực sự cần thiết đối với cuộc sống của mỗi con người, thầy Hoàn cho biết: Toán là môn khoa học cơ bản, hiện diện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Môn Toán sẽ giúp học sinh tính được số lượng của giấy dán tường hoặc lượng sơn cần dùng nếu muốn làm đẹp lại căn phòng của mình; Hoặc để trở thành một người nông dân thông thái thì em phải biết tính toán cần bao nhiêu cây giống, hạt giống phù hợp với diện tích đất mảnh vườn mà mình có...
Thầy Hoàn chia sẻ, mặc dù môn Toán có vai trò rất quan trọng nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều học sinh chưa thích học Toán. Nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh chưa thích học Toán là do học sinh chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của môn Toán đối với thực tiễn cuộc sống. Do đó trong những năm qua, thầy đã tìm ra và áp dụng giải pháp “Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế” vào công tác giảng dạy.
Việc đưa các bài tập thực tế vào trong giờ học không chỉ giúp cho học sinh thấy được môn Toán gần gũi thiết thực với cuộc sống mà còn giúp khơi gợi tình yêu và niềm say mê với Toán học.
Để đưa được bài toán thực tế vào trong tiết dạy Toán, đòi hỏi người thầy phải hết sức khéo léo và lựa chọn những thời điểm thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Theo thầy Hoàn, có 6 thời điểm để giúp học sinh tiếp xúc với tính thực tế của bài toán mà thầy đã áp dụng rất thành công.
Thời điểm thứ nhất là đưa bài Toán thực tế vào khâu đặt vấn đề và chuyển ý trong tiết dạy. Việc làm này có một vai trò quan trọng bởi nó khơi gợi tính tò mò, sự tập trung và mong muốn khám phá kiến thức mới cho học sinh.
Thầy Hoàn và học sinh trong giờ học Toán |
Thời điểm thứ hai là lúc sử dụng bài toán thực tế vào khâu củng cố kiến thức. Điều này giúp học sinh nắm vững hệ thống kiến thức của bài học, ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn và đồng thời thấy được ý nghĩa của toán học trong thực tiễn một cách đầy đủ. Qua đó, học sinh thấy được Toán học thật gần gũi với cuộc sống.
Nhân rộng sáng kiến
Thầy Hoàn cũng khéo léo sử dụng bài Toán thực tế trong các giờ luyện tập. Ví dụ trong tiết luyện tập, khi dạy học sinh thu thập và biểu diễn dữ liệu (Toán lớp 6), thầy tổ chức hoạt động trải nghiệm, cho học sinh trở thành “biên tập viên thời tiết”, giao nhiệm vụ cho các em thu thập nhiệt độ của một số vùng tại mốc thời gian nhất định trong một tuần, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết…
Thầy Hoàn chia sẻ, sau khi áp dụng giải pháp “Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế” vào giảng dạy thì thầy nhận thấy học sinh đã yêu thích Toán hơn.
Sau khi nhận thấy tính hiệu quả giải pháp nêu trên, với cương vị là giáo viên cốt cán bộ môn Toán quận Hoàng Mai, thầy Hoàn lan tỏa nhiệt huyết và chia sẻ giải pháp của mình đến các giáo viên Toán trong toàn quận và đều có những phản hồi tích cực. Minh chứng cụ thể là kết quả thi vào lớp 10 THPT của quận Hoàng Mai luôn nằm trong top đầu của thành phố trong nhiều năm gần đây.
Cô Đỗ Thị Thu Phương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú chia sẻ: Thầy Nguyễn Khánh Hoàn là giáo viên có chuyên môn giỏi và tận tâm với nghề, được đồng nghiệp trân trọng, học sinh yêu quý.
Trong nhiều năm công tác, thầy Hoàn đã gặt hái được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Đặc biệt năm học 2020 - 2021, thầy đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen…
Với sáng kiến “Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế”, trong hội nghị cấp thành phố xét tặng giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết - sáng tạo năm 2022 vừa qua, sáng kiến của thầy đã được đánh giá cao, có cách tiếp cận văn minh, rất phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.