Nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn “sập bẫy” thủ đoạn lừa đảo cũ

Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó giả làm người thân quen, nhắn tin cho bạn bè, người thân vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới, các cơ quan chức năng đã cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn mắc bẫy.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo thủ đoạn hack Facebook, Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài
Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo thủ đoạn hack Facebook, Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài

Trong tháng 9/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận trình báo của nhiều công dân trên địa bàn thành phố bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên. Nếu như trước đây, nạn nhân thường bị chiếm đoạt 20-50 triệu đồng thì hiện nay, hầu hết nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn, từ 200-500 triệu đồng.

Theo đơn trình báo, chị H (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái với nội dung chuyển tiền để con đóng học ở nước ngoài. Tin tưởng đó là con mình, chị đã chuyển 3 lần với số tiền hơn 400 triệu đồng. Cả 3 lần giao dịch chuyển tiền, chị H đều gọi cho con và chỉ nghe thấy máy “ù ù”. Sau đó, tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại cho chị H: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu. Mẹ nhắn tin cho con!”. Sau khi liên lạc được với con, chị mới biết tài khoản Facebook của con đã bị hack nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Qua sự việc trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được tin nhắn đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Sau khi hack được Facebook các đối tượng lừa đảo nhắn tin hỏi vay, nhờ chuyển tiền (Ảnh minh hoạ)
Sau khi hack được Facebook các đối tượng lừa đảo nhắn tin hỏi vay, nhờ chuyển tiền (Ảnh minh hoạ)

Còn nhớ, vào 6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra một vụ lừa đảo qua mạng xã hội Facebook. Theo trình báo của chị N.T.C.L (ở quận 9, TP Hồ Chí Minh), chiều 9/6, chị nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn tên D, hỏi vay 12 triệu đồng.

Chị L vì tin tưởng đã không gọi điện hay sử dụng các biện pháp khác để xác minh mà chuyển tiền ngay vào tài khoản ngân hàng mà người nhắn cung cấp. Chưa dừng lại, chị L còn được nhờ chuyển khoản hộ một khoản tiền lớn.

Đến lúc này, nạn nhân mới cảm thấy có điều bất thường và gọi cho D để hỏi. Khi nói chuyện trực tiếp với người bạn, chị L mới biết tài khoản Facebook của D đã bị hack và chị đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Công an TP Đà Nẵng bắt giữ các đối tượng Đức, Dụng, Vũ, Thành (từ trái qua, Ảnh CACC)
Công an TP Đà Nẵng bắt giữ các đối tượng Đức, Dụng, Vũ, Thành (từ trái qua, Ảnh CACC)

Gần đây là ngày 21/6/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã điều tra, tạm giữ hình sự 4 đối tượng để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, qua công tác nắm địa bàn, tiếp nhận tin báo của một số bị hại về việc tài khoản mạng xã hội (Facebook) của họ bị các đối tượng hack và chiếm quyền sử dụng, sau đó đối tượng mạo danh nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi xác minh, thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, bước đầu xác định các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội gồm: Nguyễn Quang Đức, 28 tuổi, trú xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; Trần Lê Quang Vũ, 27 tuổi; Lê Phước Thành, 33 tuổi và Nguyễn Xuân Dụng, 33 tuổi, cùng trú thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cùng Trần Việt Long, 30 tuổi, trú xã Bản Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến ngày 20/6, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành tạm giữ 5 đối tượng trên và đưa về Đà Nẵng. Qua đấu tranh, bước đầu các đối tượng khai nhận từ tháng 10/2022 đến nay, bằng thủ đoạn trên đã lừa được khoảng hơn 500 bị hại trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Tất cả số tiền các đối tượng chiếm đoạt được sử dụng vào mục đích chơi Game trên mạng và thông qua việc mua bán Bitcoin để rửa tiền.

Lượt xem: 4
Tác giả: Thành Long