Tăng tính trải nghiệm trong môn Giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học này, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số trường học đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.

Ở cấp tiểu học, nội dung môn học được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Ở cấp THCS và THPT, nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Từ khung thời lượng, các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế để lựa chọn và xây dựng nội dung giáo dục phù hợp, nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương...

 Cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) bên con đường thổ cẩm dẫn vào trường. 

Bước chân vào Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ai cũng ấn tượng với con đường thổ cẩm dài 39m. Điều đặc biệt là con đường này do chính giáo viên và học sinh nhà trường cùng thực hiện, dựa trên những kiến thức, hiểu biết về văn hóa của người Mông. Con đường dẫn vào trường đã ít nhiều khơi gợi niềm tự hào, cảm hứng cho học sinh tìm hiểu các phong tục, tập quán và các giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương mình. Lắng nghe từng lời cô giảng giải về các họa tiết, hoa văn đặc trưng của dân tộc mình trên con đường thổ cẩm, em Thào Thị Sinh, học sinh lớp 7 của trường chia sẻ: “Em thích học Văn và những tiết học trải nghiệm vì có nhiều câu chuyện hay. Em biết từ đâu và tại sao lại có những đồ vật mà gia đình em đang dùng”.

Chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn... thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào cho hay: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tập trung vào phát triển các năng lực, phẩm chất của học sinh. Căn cứ vào mục tiêu cần đạt, chương trình tăng cường theo hướng mở, tăng trải nghiệm để học sinh vận dụng lý thuyết vào thực tế, khắc sâu kiến thức”.

Một số môn học như: Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý được nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm trong thực tế. Với mục tiêu mô hình trường học bảo tồn văn hóa người Mông gắn với du lịch, hiện trường đã xây dựng phòng truyền thống. Phòng học mô hình đó lưu giữ những sản vật địa phương đặc trưng của người Mông, từ âm nhạc như các bộ khèn đến các nông cụ, cầu thang, gùi...

“Mỗi dụng cụ lại là một câu chuyện, một bài học. Khi Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa chỉ đạo xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, hơn 3 năm nay, nhà trường đã tích cực trong công tác sưu tầm. Giáo viên vận động học sinh, phụ huynh, đến từng nhà xin lại những đồ dùng xưa cũ, không dùng đến của họ để đưa về lưu giữ tại phòng trưng bày. Phòng học được khai thác khá hiệu quả, từ việc giúp học sinh gìn giữ đạo cụ, bản sắc của dân tộc đến việc hiểu người xưa sử dụng sản phẩm này làm gì. Bên cạnh đó, các em còn được học những tiết học dạng trải nghiệm, mời nghệ nhân địa phương đến giảng dạy thêm về cách làm khèn Mông, múa khèn, điệu múa đặc trưng của người Mông”, thầy Liễu Tiến Sơn cho biết thêm.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc và những giá trị văn hóa tiêu biểu; tìm hiểu về thiên nhiên, các danh lam, di tích, các làng nghề, mô hình sản xuất nơi các em đang sống nhằm tích cực hóa hoạt động học tập... sẽ góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

Tags: giáo dục
Video