Năm 2045: TP Hà Nội phấn đấu có 600km đường sắt đô thị
Sáng 21-6, UBND TP Hà Nội đã công bố Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) Thủ đô trình HĐND thành phố trong Kỳ họp thứ 17 sắp tới.
Theo UBND TP Hà Nội, việc xây dựng đề án nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu hoàn thành mạng lưới metro tại Hà Nội.
Trong đề án, TP Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư. Phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, tuyến số 3 và tuyến số 5), chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội. Tại phân kỳ này, thành phố còn chuẩn bị công tác đầu tư 301km, gồm các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.
Phân kỳ 2031-2035, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đã chuẩn bị công tác đầu tư ở phân kỳ trước, chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro theo quy hoạch. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD.
TP Hà Nội phấn đấu có 600km đường sắt đô thị. Ảnh minh họa |
Ở phân kỳ 2036-2045, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư hơn 200km metro các tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, đề án cho biết sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công, bao gồm ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2035, TP Hà Nội dự kiến cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong 2 kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến metro bổ sung.
Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng hệ thống metro. Trong đó, có thể để nhà đầu tư tư nhân được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, được tham gia đầu tư, phát triển các dự án trong khu vực TOD được quy hoạch. Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tư nhân mua sắm phương tiện đầu máy, toa xe… theo một gói chung, bảo đảm mục tiêu giảm tổng giá thành mua sắm so với cách thức thực hiện riêng rẽ như hiện nay.
Về phương án lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống metro, thành phố đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.
Về nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện, Hà Nội đưa ra 4 chính sách về quy hoạch; 4 chính sách về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư; 4 chính sách về huy động vốn; 8 chính sách về công tác lập đề xuất dự án, các thủ tục liên quan đến dự án; 1 chính sách về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ… Đề án sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 17, tổ chức từ ngày 1 đến 5-7 tới.
Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ có đề án riêng để phát triển metro. Đề án này sẽ được thành phố tập trung nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Khi làm đề án tổng thể 12 tuyến metro thì thành phố mới có nguồn lực riêng để bảo đảm thực hiện.
Tin, ảnh: TUẤN SƠN