Những kỹ năng thoát hiểm quan trọng khi xảy ra hỏa hoạn

Tại Hội nghị báo cáo viên tháng 6 năm 2024, Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an TP Hà Nội đã mang đến những thông tin hữu ích, vô cùng cần thiết đối với việc thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra.

Trước tình hình liên tiếp những vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội gây ra thiệt hại về người và của rất thương tâm, UBND TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong phòng cháy chữa cháy.

Do đó, tại Hội nghị báo cáo viên tháng 6 năm 2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 18/6, vấn đề mà Thượng tá Nguyễn Tiến Nam trình bày là vô cùng hữu ích và được các đại biểu chú ý lắng nghe.

Đặc biệt, nội dung Kỹ năng thoát nạn trong đám cháy của báo cáo viên đã mang lại những thông tin thiết thực.

Chuẩn bị kỹ lưỡng phương án thoát nạn

Theo đó, thông tin báo cáo viên cho biết hầu hết các nhà trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đều đang thiết kế cầu thang bộ hở, để đảm bảo khi có sự cố những người sinh sống trong các công trình này có thể thoát nạn một cách an toàn tuy nhiên, các cầu thang này đều không đảm bảo theo quy định.

Để thoát nạn đối với các công trình này, Thượng tá Nguyễn Tiến Nam nhắc nhở người dân cần chú ý chuẩn bị kỹ lưỡng phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Đối với nhà có 1 lối thoát nạn, cần có phương án bố trí thêm lối thoát nạn thứ hai hoặc lối ra khẩn cấp (có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp).

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam trình bày tại Hội nghị báo cáo viên tháng 6 năm 2024
Thượng tá Nguyễn Tiến Nam trình bày tại Hội nghị báo cáo viên tháng 6 năm 2024

Đối với lối đi, lối thoát nạn, cần lưu ý giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy: Không để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà, không để các thiết bị, vật dụng nhô ra khỏi mặt tường ở độ cao dưới 2m.

Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc.

Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

Những kỹ năng thoát hiểm quan trọng khi xảy ra hỏa hoạn

Đối với nhà ở có ban công, lô gia hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường họp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy, nổ. Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn PCCC và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.

Trang bị kỹ năng cần thiết khi xảy ra cháy nổ

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam cũng cung cấp thông tin về kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra: Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất, kinh doanh, cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về nội quy, biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn (biển chỉ dẫn hay đèn chỉ dẫn thoát nạn), sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời thoát nạn, CNCH khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi phát hiện có cháy, hãy bình tĩnh, di chuyển ra ban công, hành lang quan sát xem điểm xuất cháy từ đâu, tiếp đó di chuyển ra lối cầu thang bộ gần nhất để quan sát xem có nhiễm khói, khí độc không, trường hợp không nhiễm khói thì nhanh chóng di chuyển thoát nạn xuống phía dưới và thoát ra ngoài.

Trường hợp lối cầu thang bộ đã nhiễm khói và tầng xảy ra cháy ngay bên dưới tầng mình đang ở, không thể thoát xuống phía dưới thì nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, mặt nạ lọc độc bảo vệ cơ quan hô hấp, di chuyển lên tầng trên tầng bị cháy từ 3 - 4 tầng, sau đó vào một phòng nào đó, nhanh chóng sử dụng khăn vải ướt, chèn vào khe cửa, sử dụng băng dính dán vào cánh cửa để khói khí độc không vào được trong căn phòng.

Mỗi người cần trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn (Ảnh minh họa)
Mỗi người cần trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn (Ảnh minh họa)

Sau đó người dân nhanh chóng di chuyển ra ban công, gọi to ra hiệu, nếu cháy vào ban ngày thì sử dụng quần áo có màu sắc, buổi tối có thể sử dụng đèn pin hoặc sử dụng đèn của điện thoại. Đồng thời người bị nạn gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số 114 để nhờ sự trợ giúp.

Người dân thông báo cụ thể vị trí người bị nạn, số lượng người bị nạn và tình trạng người bị nạn để lực lượng Cảnh sát PCCC đưa ra phương pháp và biện pháp cứu người.

Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai; tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối người dân không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp triển khai phía dưới.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 4
Tác giả: Hương Thu