Mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ có thể bị xử phạt tới 15 năm tù

Pháo nổ là loại hàng hóa bị cấm buôn bán, sử dụng, tuy nhiên do lợi nhuận nên các đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để sản xuất, buôn bán kiếm lời. Đặc biệt thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán tình trạng tội phạm buôn bán, sử dụng pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng.

Liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển pháo nổ

Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chiều 23/11, Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Công an quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh thuộc Công ty Dịch vụ giao hàng nhanh ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, qua đó phát hiện và thu giữ gần 12kg pháo nổ. Số pháo nổ được cất giấu tinh vi bên trong 2 kiện hàng. Căn cứ thực tế kiểm tra, lực lượng chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ.

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện số lượng lớn pháo nổ nhập lậu

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện số lượng lớn pháo nổ nhập lậu

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã mở rộng điều tra chuyên án “Buôn bán và tàng trữ hàng cấm” bằng xe khách từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng lớn (pháo nổ). Đồng thời, đơn vị ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Sỹ Vinh (sinh năm 1995, trú tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn châu, tỉnh Nghệ An), đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán hàng cấm (3,5 tạ pháo nổ).

Trước đó, từ giữa tháng 8 đến tháng 10/2022, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan tới chuyên án này gồm: Ngô Đình Mạnh (sinh năm 1982), Ngô Thị Phương (sinh năm 1984) cùng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu; Trần Văn Phú (sinh năm 1996) trú tại xã Trung Sơn và Phạm Văn Nhật (sinh năm 1993) trú tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương về hành vi buôn bán hàng cấm (pháo nổ). Quá trình đầu tranh, cơ quan Công an xác định 4 đối tượng trên nằm trong đường dây mua bán pháo nổ từ nước ngoài về Việt Nam do Ngô Sỹ Vinh cầm đầu.

Quá trình chạy xe khách chạy tuyến Lào - Việt Nam, Vinh đã cấu kết với một số đối tượng để mua pháo nổ trái phép ở nước ngoài với giá rẻ sau đó vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Tại cơ quan Công an, bước đầu Ngô Sỹ Vinh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Ngô Sỹ Vinh, đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển pháo nổ từ nước ngoài về Việt Nam

Ngô Sỹ Vinh, đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển pháo nổ từ nước ngoài về Việt Nam

Được biết, vào ngày 14/11, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã bắt giữ 4 đối tượng để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ gồm: Man Văn Tự (34 tuổi), Lê Đình Sang (37 tuổi) và Nguyễn Thị Phương Thảo (27 tuổi), cùng ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, Phạm Anh Tịnh (33 tuổi), trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, qua công tác nắm địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện nghi vấn về một nhóm đối tượng nghiện ma túy có dấu hiệu mua bán, tàng trữ pháo nổ liên tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tập trung xác minh.

Bằng các biện pháp nghiệm vụ, xác định ngày 13/11, các đối tượng sẽ đưa một lượng lớn pháo hoa nổ từ cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh Bình Phước vào địa bàn Lâm Đồng. Chiều cùng ngày, khi các đối tượng vận chuyển một lượng lớn pháo hoa nổ về đến xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Cảnh sát đã thu giữ 2 xe ô tô chất đầy pháo hoa nổ, 986 bánh pháo nổ, mỗi bánh chứa 49 quả pháo hoa nổ có tổng trọng lượng 1.774kg. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo trái phép.

Số tang vật pháo nổ công an tỉnh Nghệ An thu giữ được

Số tang vật pháo nổ công an tỉnh Nghệ An thu giữ được

Mua bán sử dụng pháo nổ là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những vụ việc buôn lậu hàng cấm (pháo nổ) dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:... i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

Tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng có quy định mức xử phạt về hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người đốt, sử dụng pháo hoa trái phép sẽ bị phạt hành chính và tịch thu tang vật. Hành vi đốt pháo nổ nơi công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội hoặc hành vi sử dụng pháo nổ gây ra thương tích cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội cố ý gây thương tích.

Theo đó, nếu hành vi sử dụng pháo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hộ thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt lên tới 7 năm tù.

Mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ có thể bị xử phạt tới 15 năm tù

Theo quy định của pháp luật thì hành vi sản xuất, buôn bán trái phép pháo hoa nổ và pháo nổ từ 6kg trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với số lượng pháo từ 120kg trở lên thì có thể bị phạt tới 15 năm tù. Trường hợp dưới 6 kilôgam thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Trường hợp đốt pháo nổ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, sự việc xảy ra nơi công cộng hoặc gây ra thương tích cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Trường hợp sử dụng pháo nổ làm hung khí để sát thương người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Đối với đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới còn có thể bị xử lý hình sự về tội buôn lậu hoặc bị xử lý về tội buôn bán hàng cấm với tình tiết tăng nặng là vận chuyển trái phép qua biên giới.

“Có thể thấy rằng pháp luật quy định rất cụ thể, rất rõ ràng về việc cấm sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau những hành vi vi phạm vẫn diễn ra. Để giảm thiểu những hành vi vi phạm thì cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Để người dân nhận thức được loại pháo hoa nào được phép mua bán sử dụng và mua bán sử dụng như thế nào. Loại pháo hoa nào không được phép mua bán sử dụng và nhận thức được là pháp luật vẫn đang cấm việc sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo nổ. Cần phải tuần tra kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới phải kịp trời thời kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ theo quy định của pháp luật, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự tới 15 năm tù để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Cường nói và kiến nghị.

Lượt xem: 21
Tác giả: Thành Long
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...