Siêu lừa Hà Thành làm gì với 370 tỷ đồng chiếm đoạt của 3 ngân hàng
Thành khai đã dùng số tiền chiếm đoạt được để mua cổ phần Công ty MHD Hà Nội, trả nợ đáo hạn các khoản vay, trả nợ gốc, trả lãi cho các cá nhân và đầu tư xây dựng.
TAND Hà Nội dự kiến sáng 26/12 mở lại phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) và 25 bị cáo khác trong vụ án 3 chi nhánh ngân hàng và nhiều cá nhân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng.
Cáo trạng mới ban hành cho thấy trong 26 bị cáo hầu tòa có 17 người là cựu lãnh đạo và nhân viên các chi nhánh của ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank). Ngoài ra, VKS cũng làm rõ dòng tiền mà bị can Thành và đồng phạm khai đã sử dụng sau khi chiếm hơn 370 tỷ đồng của 3 ngân hàng nêu trên.
Trong năm 2018, Hà Thành câu kết với một số cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồngm hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng, của NCB 47,5 tỷ đồng và 49,4 tỷ đồng của PVcomBank.
Sau lần bị xét xử hồi tháng 5 (trong ảnh), Thành và các bị cáo sẽ tái hầu tòa vào ngày 26/12. Ảnh: N.H.
Với số tiền chiếm đoạt được, Hà Thành sử dụng để mua cổ phần Công ty CP đầu tư MHD Hà Nội, trả nợ đáo hạn các khoản vay tại 3 ngân hàng và trả nợ gốc. Bên cạnh đó, bị can còn trả lãi cho các cá nhân vay ngoài xã hội, một phần khác đầu tư xây dựng.
Theo cáo buộc, để mua cổ phần MHD Hà Nội, Thành cho Nguyễn Thanh Tùng (bạn cùng làm ăn) đứng tên cùng 2 người quen là bà Tuyết (64 tuổi, ở Hà Nội), anh Hồng (33 tuổi, quê Hải Phòng) ký hợp đồng. Mục đích để sở hữu dự án xây dựng tòa nhà MHD Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, từ nhóm cổ đông cũ của MHD Hà Nội.
Về dòng tiền liên quan việc mua cổ phần Công ty MHD Hà Nội, VKS xác định ngày 31/10/2018, Hà Thành cầm cố sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ đồng đứng tên 2 cá nhân đồng sở hữu (Triệu Hùng Cường và Tô Hồng Thức) để vay Phòng giao dịch Đông Đô của VietABank 29,5 tỷ đồng. Thành khai sau đó đã nhờ Tùng giả chữ ký ông Cường để làm hồ sơ đưa cho các nhân viên Phòng giao dịch Đông Đô.
Theo quy định, hồ sơ vay 29,5 tỷ đồng trên thuộc trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm (do người có tài sản đảm bảo bị giả mạo chữ ký, không đồng ý đảm bảo cho khoản vay) nhưng các bị can thuộc Phòng giao dịch Đông Đô đã làm trái quy định, giải ngân tiền vào tài khoản của Triệu Hùng Cường (do nhân viên ngân hàng mở cho Thành, còn ông Cường không biết) mở tại VietABank. Sau đó, Hà Thành dùng ủy nhiệm chi có chữ ký giả của ông Cường để chuyển tiền sang tài khoản của Thành tại VietABank, rút rồi chiếm đoạt.
Ngày 1/11/2018, Thành chuyển khoản gần 8 tỷ đồng cho Tùng rồi từ đó, Tùng chuyển tiền cho cổ đông Công ty CP đầu tư MHD Hà Nội để mua cổ phần doanh nghiệp này. Như vậy, VKS cho rằng có căn cứ kết luận số tiền gần 8 tỷ đồng này là vật chứng mà Thành chiếm đoạt của VietABank.
Đối với khoản tiền còn lại từ các vụ án lừa đảo mà Hà Thành và đồng phạm bị cáo buộc gây ra, cáo trạng nêu bị can Thành đều rút tiền mặt ngay sau khi được ngân hàng giải ngân, hoặc chuyển tất toán các khoản vay cũ tại chính ngân hàng mà Thành vừa vay. Cô ta còn chuyển tiền từ các tài khoản giả người đồng sở hữu do Thành quản lý, sau đó dùng giấy tờ giả chữ ký để rút tiền mặt.
Nguyễn Thị Hà Thành khai đã vay nhiều khoản tại 3 ngân hàng rồi gộp lại. Sau đó, nữ bị can sử dụng để trả lãi vay ngoài, tất toán các khoản vay khác tại ngân hàng và mua cổ phần hoặc chi tiêu cá nhân. Đến nay, tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định chính xác số tiền mà Thành chiếm đoạt từ vụ án này để mua cổ phần của Công ty MHD Hà Nội.
Quá trình tố tụng, phía VietABank đã dùng khoản tiền gửi của các đồng sở hữu bảo đảm cho những khoản vay của nhóm Nguyễn Thị Hà Thành tại ngân hàng để khắc phục hậu quả. Nhà băng này đã đề nghị TAND Hà Nội đánh giá việc rút tất toán toàn bộ số tiền nêu trên là có căn cứ pháp luật, đánh giá động cơ của các đồng sở hữu đã giúp Hà Thành và đồng phạm vay, chiếm đoạt tiền. Mục đích để làm căn cứ tuyên tịch thu số tiền, khắc phục hậu quả thiệt hại.
Đối với PVcomBank, đơn vị này đề nghị tòa xác định giao dịch mà người đồng sở hữu cho Hà Thành vay tiền là bản chất, còn các giao dịch vay vốn, gửi tiết kiệm khác đều là giả tạo nên cần vô hiệu. Ngân hàng cũng đề nghị buộc bị can Thành và đồng phạm trả tiền cho người đồng sở hữu. Riêng Ngân hàng NCB chưa có yêu cầu về bồi thường dân sự.