Hình thành mạng lưới giao thông xanh
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn đang là vấn đề nhức nhối. Hệ thống phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu diesel đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, phát sinh lượng khí thải gây tác động tiêu cực tới môi trường cũng như sức khỏe con người.
Vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon thông qua phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ xe buýt điện đạt trên 70%
Là thành phố có mật độ dân cư và phương tiện giao thông cao, thời gian qua, chính quyền TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của khí thải đến môi trường. Trong đó, Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố” được kỳ vọng sẽ giúp ngành giao thông vận tải (GTVT) của Thủ đô bắt kịp xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. |
UBND TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 70-90%, đến năm 2035 đạt 100%. Đánh giá đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội: Việc đẩy mạnh phát triển hệ thống xe buýt điện tại TP Hà Nội sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân cũng như cụ thể hóa các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT. Hiện, trên địa bàn Thủ đô có 10 tuyến xe buýt điện đang được khai thác, vận hành và bước đầu nhận được phản ứng tích cực, sự ủng hộ từ phía người dân. “Trung tâm đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành để thời gian tới triển khai thí điểm thêm 5 tuyến xe buýt điện nữa, trong đó bao gồm 4 tuyến xe buýt trung bình và 1 tuyến xe buýt nhỏ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vận tải”, ông Thái Hồ Phương cho hay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc phát triển hệ thống GTVT công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ có tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá phương tiện xe buýt điện đang ở mức cao hơn so với xe sử dụng xăng, các doanh nghiệp vận tải công cộng muốn chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ gặp những khó khăn vì chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay để tham gia phát triển hệ thống GTVT công cộng sử dụng năng lượng xanh. Bên cạnh đó, cần có lộ trình và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi phương tiện từ sử dụng xăng sang điện một cách hiệu quả, tránh lãng phí, đặc biệt với những phương tiện chưa hết khấu hao. Vấn đề này cũng đã được quy định tại Điều 28 Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó cần có các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch.
Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt
Xác định việc chuyển đổi có lộ trình từ xe buýt sử dụng xăng sang điện là nhiệm vụ cần thiết, UBND TP Hà Nội đã xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống trạm sạc điện, nguồn điện, nguồn khí, trạm cung cấp khí theo các giai đoạn; có phương án cung cấp, bảo đảm nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm sạc cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của Thủ đô, không để gián đoạn hoạt động của các phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, cần thực hiện quy hoạch hiệu quả, hợp lý các đầu mối giao thông cũng như hệ thống bãi đỗ xe có trạm sạc điện, trạm cung cấp năng lượng xanh; xây dựng, điều chỉnh hệ thống các tuyến xe buýt phù hợp, kết nối thuận tiện với hệ thống đường sắt Thủ đô.
Tuy nhiên, nếu chính quyền TP Hà Nội chỉ tập trung vào việc thay đổi loại hình phương tiện từ xe buýt sử dụng xăng sang điện mà không cải thiện chất lượng dịch vụ thì chưa thể thu hút được người dân. Theo ông Thái Hồ Phương, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông sẽ tạo ra những chiếc xe thân thiện với môi trường, nhưng điều đó chưa đủ, mà cần phải chuyển đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường giao thông công cộng văn minh, thân thiện với người dân, lấy hành khách là trung tâm phục vụ. Có như vậy, việc chuyển đổi xanh lĩnh vực GTVT công cộng mới nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của thành phố.
Cùng với đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tạo thêm các ứng dụng trên điện thoại di động để người dân có thể mua vé cũng như sử dụng các dịch vụ khác trong lĩnh vực GTVT công cộng một cách thuận tiện. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể phản ánh những bất cập khi sử dụng xe buýt thông qua phần mềm, Trung tâm sẽ tiếp nhận, xác minh, nếu có vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý nghiêm.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG