Đổi mới tư duy trong nâng cao chất lượng an sinh - xã hội

Đánh giá việc thực hiện Chương trình số 08 -CTr/TU của Thành ủy đã mang lại những chuyển biến tích cực trên một số ngành, lĩnh vực của huyện Phú Xuyên, song các thành viên đoàn giám sát cho rằng, kết quả đạt được vẫn khiêm tốn so với mặt bằng chung toàn TP. Vì vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, huyện cần chủ động, quyết liệt, đổi mới tư duy để tạo bứt phá.

Sáng 27/2, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Chương trình 08) trên địa bàn huyện Phú Xuyên.

Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan là thành viên của Đoàn giám sát.

Đổi mới tư duy trong nâng cao chất lượng an sinh - xã hội
Quang cảnh buổi làm việc

Đạt và vượt 24 chỉ tiêu

Theo báo cáo của huyện Phú Xuyên, trong bối cảnh Thủ đô nói chung và huyện nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID -19, Chương trình 08 đã phát huy được tính định hướng, tính khả thi và nhân văn trong việc đảm bảo an sinh xã hội; duy trì, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Cụ thể, từ năm 2021- 2023, số lao động có việc làm mới của huyện là 15.420 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 80,01%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ là 37%. Số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn huyện tính đến 31/12/2023 là 11.740 đối tượng. Kinh phí thực hiện chi trả hằng tháng là 7.469.600.000 đồng. Trong khi đó, tổng số dự án thuộc 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và di tích của huyện được TP đầu tư và hỗ trợ gồm 96 dự án với tổng mức đầu tư 3.107 tỷ 374 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, qua 3 năm triển khai Chương trình 08, hầu hết các chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu (24/27). Với địa bàn khó khăn như Phú Xuyên chưa tự cân đối được ngân sách, do đó 3 chỉ tiêu: Tỷ lệ giảm nghèo; tỷ lệ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình và tỷ lệ hỏa táng sẽ khó hoàn thành.

Đổi mới tư duy trong nâng cao chất lượng an sinh - xã hội
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy báo cáo tại hội nghị

Từ thực tế trên, huyện Phú Xuyên cũng kiến nghị với Đoàn giám sát 6 nhóm nội dung. Trong đó, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo ban hành Nghị quyết đặc thù điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi cho người có công trên địa bàn để đảm bảo không thấp hơn chuẩn nghèo thành phố theo từng giai đoạn.

Đối với những huyện khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách đề nghị TP cấp ngân sách cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của huyện đã chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn thực tế triển khai các nội dung trong Chương trình 08 trên địa bàn. Trong đó, các đại biểu cũng nêu thực trạng nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo - an sinh xã hội trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của Chương trình 08 ở một số xã, thị trấn chưa cao.

Từ thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho rằng, huyện cần có sự đột phá hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục khi chỉ đứng thứ 27/30 quận, huyện. Để thực hiện các chỉ tiêu TP giao cũng như các chỉ tiêu đề ra, huyện cần có sự đầu tư về hạ tầng; chú trọng dành quỹ đất cho giáo dục; nâng cao chất lượng giáo viên…

Đánh giá huyện Phú Xuyên đã có sự cố gắng, quyết liệt, tập trung thực hiện Chương trình 08, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã chỉ những nội dung huyện cần chú trọng triển khai từ nay tới cuối nhiệm kỳ.

Đổi mới tư duy trong nâng cao chất lượng an sinh - xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Đồng chí nhấn mạnh, mục tiêu của Chương trình 08 là cơ bản không còn hộ nghèo, do đó, với nội dung này, huyện cần làm chuyên đề riêng, phân tích các nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo, nắm bắt tận nơi và phân giao cụ thể các giải pháp, kiểm soát thường xuyên để từng “con bò, máy khâu” đến tận tay từng hộ. Đối với từng hộ nghèo cần có phương án riêng; đồng thời phân công trách nhiệm kỹ càng từ khâu hỗ trợ phương tiện sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra cho các họ.

Ngoài ra, huyện cần chú trọng thu hút lao động nghề tại địa phương để phát huy thế mạnh làng nghề; tiếp tục rà soát, đánh giá rõ nhu cầu học nghề của lao động phổ thông, có giải pháp kết nối cung cầu…

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh TP sẽ theo sát huyện trong thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên huyện cần chủ động, tích cực, không quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ.

Gắn các giải pháp với tình hình thực tế tại địa phương

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm chung của Hà Nội là luôn bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; quan tâm chăm lo cho mọi mặt đời sống của người dân. Tuy nhiên, qua nửa nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, một số nội dung trong Chương trình 08 chưa phát triển bền vững, nhiều vấn đề mới phát sinh sau 2 năm chịu nhiều tác động do dịch COVID-19.

Đặc biệt tại khu vực nông thôn của TP, trong đó có huyện Phú Xuyên còn khó khăn, khiến nhiều nội dung trong Chương trình 08 khó đạt được. “Vì thế, các đồng chí lãnh đạo huyện, đơn vị liên quan cần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, khó khăn thách thức, có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để triển khai Chương trình 08 hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Đổi mới tư duy trong nâng cao chất lượng an sinh - xã hội
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị

Biểu dương những kết quả mà huyện đạt được trong triển khai Chương trình 08, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng thẳng thắng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của huyện trong thực hiện Chương trình này. Từ đó, Phó Bí thư Thành uỷ yêu cầu lãnh đạo huyện cần đổi mới cả trong tư duy đến hành động để tạo bứt phá trong triển khai thực hiện.

“Khó khăn lớn nhất của huyện là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông chưa phát triển. Nguồn thu của địa phương còn hạn chế; việc xã hội hóa còn khó khăn khi trên địa bàn chủ yếu là các hộ cá thể… Vì thế, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc này”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu huyện quan tâm bổ sung quy hoạch liên quan đến các nội dung Chương trình 08; các thiết chế văn hóa, môi trường, làng nghề… Ban Thường vụ Huyện ủy sớm có Nghị quyết chuyên đề gắn với đặc thù của địa phương để triển khai thực hiện Chương trình 08 cũng như văn kiện đại hội nhiệm kỳ tới; đồng thời, chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các hương ước, quy ước về văn hóa của địa phương.

Trước mắt, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện phối hợp với các đơn vị liên quan của TP đẩy nhanh giai đoạn 2 xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương; đặc biệt là gắn phát triển làng ghề với du lịch của địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Lượt xem: 7
Tác giả: Tú Linh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...