Truyền thông địa phương đưa tin, đó là đám cưới giữa chú rể Rustam Ashary, 41 tuổi, với cô dâu SW (tên viết tắt), 13 tuổi. Cả hai đều sống tại khu vực Sidenreng Rappang. Trước đây, chú rể Rustam Ashary đã kết hôn với một người phụ nữ nhưng cuộc hôn nhân này lại thất bại. Sau đó, anh ta đã tái hôn với SW.
Gia đình của cặp đôi cho biết anh Rustam Ashary và SW quen nhau thông qua mạng xã hội Facebook. Chỉ sau 3 tháng quen biết, nói chuyện và hẹn hò qua mạng xã hội này, cặp đôi đã quyết định tiến tới hôn nhân. Gia đình của cả cô dâu SW và chú rể Rustam Ashary đều đồng ý và ủng hộ cuộc hôn nhân này.
Chia sẻ trên tờ báo Detik, bà Nurhayati, mẹ của cô dâu SW, cho biết: "Hai gia đình chúng tôi đều đã chúc phúc cho mối quan hệ của họ". Bà Nurhayati cũng nhấn mạnh rằng không hề có chuyện con gái mình bị ép buộc kết hôn với anh Rustam Ashary và giờ đây cặp vợ chồng son đang rất hạnh phúc bên nhau.
Khi được hỏi về việc học của con gái, bà Nurhayati cũng cho biết thêm: "Con bé vẫn đang theo học lớp 7 tại một trường trung học cơ sở".
Những bức ảnh đám cưới của chú rể Rustam Ashary với cô dâu SW đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Indonesia, cho thấy cặp đôi đang cùng giơ tờ giấy đăng ký kết hôn, xác nhận rằng cuộc hôn nhân của họ được công nhận về mặt pháp lý.
Chính quyền tỉnh Nam Sulawesi nói rằng họ không có thẩm quyền pháp lý can thiệp hoặc ngăn cản cuộc hôn nhân giữa anh Rustam Ashary với SW. Tuy nhiên, họ vẫn đảm bảo rằng bé gái 13 tuổi này vẫn được nhận đầy đủ quyền lợi của mình khi còn nhỏ.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cô bé được hưởng các quyền của mình, chẳng hạn như được học hành đầy đủ," Giám đốc Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em Nam Sulawesi, Nur Anti nói trên tờ Detik.
Tại Indonesia, độ tuổi kết hôn hợp pháp ở nam giới là từ 19 tuổi trở lên, ở nữ giới là từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân năm 1974 của quốc gia này cũng có một lỗ hổng lớn khi cho phép cuộc hôn nhân vẫn được coi là hợp pháp nếu chúng được thực hiện phù hợp với niềm tin tôn giáo, được gọi là "hôn nhân nikah siri". Do đó, các cuộc hôn nhân dưới tuổi vị thành niên đã được các tòa án hoặc quan chức tôn giáo công nhận, cũng được chính phủ chính thức công nhận, mà không coi là phạm pháp.