'Thảm họa' tai biến thẩm mỹ

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của cộng đồng, tuy nhiên, để tránh những rủi ro “tiền mất tật mang” các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo cộng đồng cần cảnh giác với những “bẫy” dịch vụ thẩm mỹ.

 

Liên tiếp tai biến, tử vong

Ngày 18/3, chị Nguyễn Thị Ngọc Nh (33 tuổi, quê Đồng Tháp) đến Bệnh viện 1A nâng ngực làm đẹp theo lịch hẹn với BS Nguyễn Văn Thiết. Tuy nhiên, khi bác sĩ đang thực hiện ca mổ, bệnh nhân đột ngột rơi vào nguy kịch. Dù đã được bác sĩ nỗ lực hồi sức cấp cứu nhưng nữ bệnh nhân đã tử vong. Cái chết đột ngột của chị Nh đã khiến gia đình bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, trên địa bàn TPHCM cũng đã xảy ra nhiều vụ tai biến liên quan lĩnh vực thẩm mỹ ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Tháng 7/2021, BS Phan Đức Hồng (59 tuổi) phẫu thuật nâng ngực cho chị Nguyễn Thị T (30 tuổi) tại phòng mạch của mình trên đường Mã Lò, quận Bình Tân. Khi đang thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào tình trạng tím tái, khó thở, tử vong.

Thảm họa tai biến thẩm mỹ - Ảnh 1.
 

Nữ bệnh nhân bị hoại tử vùng cổ sau khi bơm chất lạ làm tan mỡ nọng

Tháng 12/2021, Bệnh viện Nhân Dân 115 liên tục tiếp nhận 2 trường hợp tai biến thẩm mỹ. Trường hợp thứ nhất là chị H.T.N (31 tuổi, ngụ tại quận 8) đi hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn Quận 1, TPHCM. Bệnh nhân được chuyển đến để cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tử vong. Trường hợp thứ hai là cô gái trẻ N.T.P (24 tuổi, ngụ tại quận 10) vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (quận Tân Phú) để thẩm mỹ vùng lưng. Sau khi được thực hiện phương pháp ủ tê vùng lưng, bệnh nhân đã bị co giật, khó thở, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ nỗ lực hồi sức nhưng người bệnh không qua được nguy kịch.

Mới đây nhất vào ngày 26/3/2022, Bệnh viện Thẩm mỹ JW TPHCM tiếp nhận một trường hợp nhập viện đến từ tỉnh Tây Ninh với vết cắt khoảng 15cm trên cổ, kéo dài từ cằm bên trái sang cằm bên phải. Nữ bệnh nhân cho biết, trước đó chị đã đi tiêm chất làm tan mỡ nọng cằm. Sau khi tiêm, vùng cằm bắt đầu sưng tấy, đau nhức, nhiễm trùng, hoại tử. Chị đã đến cơ sở y tế tại tỉnh Tây Ninh phẫu thuật nhiều lần để xử lý ổ nhiễm trùng nhưng vết thương trên cổ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cần xử lý nghiêm “bác sĩ tay ngang”

Sau khi nữ bệnh nhân nâng ngực tại Bệnh viện 1A bị tử vong, cơ quan chức năng đã tiến hành giải phẫu tử thi, truy tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của người bệnh. Đây là trường hợp có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình tiếp nhận, phẫu thuật cho bệnh nhân. Thông tin từ chị Nguyễn Thị Ngọc Tr (35 tuổi, chị gái của bệnh nhân) cho biết cho biết, khoản chi phí 40 triệu đồng cho ca phẫu thuật nâng ngực được đóng trực tiếp cho BS Nguyễn Văn Thiết mà không thông qua bệnh viện. Hiện gia đình của nạn nhân đã mời luật sư vào cuộc.

Trao đổi với phóng viên về ca tử vong trên, bà Nguyễn thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, chưa có kết luận chính thức. Bác sĩ Nguyễn Văn Thiết, người thực hiện cuộc phẫu thuật đang công tác tại Bệnh viện 30/4 trực thuộc Bộ Công an. Còn Bệnh viện 1A nơi xảy ra vụ việc trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Do đó, việc kiểm tra, xử lý sai phạm cần sự phối hợp giữa các cơ quan thuộc bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Trên thực tế nhiều spa, thẩm mỹ viện đang quảng cáo thực hiện những dịch vụ không được phép như nâng mũi, cắt mí, hút mỡ bụng, nâng ngực, thu quầng ngực, cấy mỡ tự thân, nâng mông, tạo hình thành bụng, căng da mặt… Nếu khách hàng có nhu cầu thì cơ sở spa hoặc thẩm mỹ viện sẽ bắt tay với những người tự xưng là bác sĩ thẩm mỹ chuyên đi mổ dạo để thực hiện kỹ thuật. Thực tế trên đã dẫn đến nhiều nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Một số trường hợp bác sĩ chỉ đứng tên và thuê phòng mổ tại các cơ sở y tế nhưng phẫu thuật viên là người khác.

Ngày 27/3, trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho biết: “Tuần qua, chúng tôi tiếp nhận tới 5 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ. Ngoài ca bệnh nhiễm trùng trên cổ đến từ Tây Ninh, còn những trường hợp khác bị biến chứng không kém phần nguy hiểm. Có người tiêm filler dẫn tới mù mắt, có người bị cao gò má được tư vấn chích thuốc làm thấp gò má dẫn tới áp xe cả 2 bên mặt. Vì lợi nhuận, các cơ sở thẩm mỹ, spa do những bác sĩ “tay ngang” hành nghề đang bất chấp cả quy định của pháp luật gây ra những biến chứng khủng khiếp, thậm chí cướp đi mạng sống của người bệnh”.

Từ thực tế trên, BS Tú Dung cho rằng, các chế tài xử lý đối với hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác trong lĩnh vực thẩm mỹ chưa đủ sức răn đe. “Luật pháp sẽ là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn bác sĩ không đủ trình độ chuyên môn hoặc những người “tay ngang” không được đào tạo nhưng vẫn cầm dao phẫu thuật hoặc thực hiện các kỹ thuật xâm lấn dẫn tới tai biến. Tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm những trường hợp như vậy”.

Bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có nguy cơ gây ra tai biến nguy hiểm. Khi đối diện với các tình huống tai biến, người bác sĩ có chuyên môn, tay nghề vững vàng cùng với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế đúng quy chuẩn sẽ bình tĩnh xử lý giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Tuy nhiên, những bác sĩ tay ngang không có trình độ chuyên môn, thực hiện ca mổ ở những nơi không có đầy đủ trang thiết bị sẽ không thể xử lý tình trạng tai biến. Đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh đối mặt với rủi ro.

Để tránh tiền mất tật mang, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM khuyến cáo cộng đồng khi có nhu cầu làm đẹp nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn những cơ sở uy tín với bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn, đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không thực hiện những dịch vụ làm đẹp có xâm lấn ở các cơ sở spa, cơ sở thẩm mỹ trá hình chưa được cấp phép.

“Tại Hàn Quốc, đối với những buổi hội thảo cấp chứng chỉ đào tạo liên tục trong lĩnh vực thẩm mỹ chỉ có những bác sĩ chính quy của Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ mới được tham dự. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều hội thảo cấp chứng chỉ đào tạo liên tục có cả bác sĩ chuyên khoa khác và kỹ thuật viên spa, da liễu tham dự và được nhận chứng chỉ. Họ đã sử dụng chứng chỉ được Hội thẩm mỹ cấp để quảng cáo khiến người dân lầm tưởng họ là bác sĩ thẩm mỹ đã được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề” - TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung.

Lượt xem: 256
Tác giả: Theo Vân Sơn
Nguồn:cafebiz.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...