Chất lượng phục vụ ngành BHXH: Đáp ứng sự hài lòng người dân

Bên cạnh việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, BHXH Việt Nam còn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo ra nhiều tiện ích, lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Những năm qua, toàn ngành BHXH đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ, như: Tin học hóa hầu hết các thủ tục tham gia và cấp thẻ BHYT; triển khai giao dịch điện tử đối với các tổ chức và cá nhân.

Ngành BHXH Việt Nam cũng triển khai 100% dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam; tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động...

Kết quả cho thấy, các năm qua, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến, trong đó mỗi năm có hơn 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên hệ thống thông tin giám định BHYT.

Chất lượng phục vụ ngành BHXH: Đáp ứng sự hài lòng người dân

Toàn ngành BHXH đã cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục

Hệ thống thông tin giám định BHYT được BHXH Việt Nam xây dựng và vận hành chính thức từ tháng 7/2016, đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Hệ thống liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để cập nhật, theo dõi người tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến, liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán tập trung để quản lý tạm ứng, thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT tại từng cơ sở khám chữa bệnh, chống trục lợi giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nổi bật là phối hợp với Bộ Công an chia sẻ thử nghiệm thông tin sổ BHXH, thông tin khám chữa bệnh BHYT để đưa lên ứng dụng VNeID; chia sẻ thông tin thẻ BHYT để phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VneID.

Ngành BHXH cũng triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi khám chữa bệnh bằng CCCD, VssID - BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT…

BHXH Việt nam cũng ứng dụng thí điểm xác thực thông tin sinh trắc học trên CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT. Qua đó, người bệnh thuận lợi làm thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác khám chữa bệnh BHYT.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ngành BHXH đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chúng sinh, giấy báo tử.

Tính đến nay, trên toàn quốc có 1.216 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.058.654 dữ liệu; có 1.582 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 852.542 dữ liệu; 596 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 8.575 dữ liệu.

Chất lượng phục vụ ngành BHXH: Đáp ứng sự hài lòng người dân

Ngành BHXH Việt Nam cũng triển khai 100% dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành

Với mục tiêu đặt quyền lợi của người tham gia BHYT làm trọng tâm, trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT.

Qua đó, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT và cùng thực hiện trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về công tác BHYT là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của ngành BHXH Việt Nam, Bộ Y tế.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách BHYT không chỉ gia tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân mà còn đảm bảo tốt quyền lợi BHYT của người thụ hưởng; mở rộng về phạm vi, chất lượng dịch vụ, khám chữa bệnh BHYT.

Do đó, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa, tính ưu việt của chính sách BHYT và tin tưởng, tích cực tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: NGỌC HÀ