Chàng sinh viên làm giày tái chế từ túi nilon và chai nhựa

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hồi đáp lại thiên nhiên bằng cách tái chế phế thải và biến chúng thành những sản phẩm hữu ích", Ashay Bhave chia sẻ.

 

Ashay Bhave (24 tuổi), thông qua công ty khởi nghiệp Thaely của mình, đã tái chế 50.000 túi nhựa và 35.000 chai nhựa kể từ tháng 7 năm 2021 và biến chúng thành giày sneaker.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2017 khi Ashay, một sinh viên ngành quản trị kinh doanh đang thực hiện một vài dự án thiết kế trong khi chuẩn bị cho khóa học thạc sĩ của mình. Thaely – từ dùng để chỉ túi nilon trong tiếng Hindi, là một trong những dự án thiết kế mà anh thực hiện với mục tiêu tái chế túi nhựa thành vật liệu hoặc vải có thể sử dụng được.

Bước ngoặt lớn xảy ra khi Ashay trình bày ý tưởng này tại một cuộc thi khởi nghiệp năm 2019 của Đại học Amity Dubai và giành chiến thắng. Nhờ đó, dự án Thaely nhận được vốn tài trợ. Việc sản xuất nguyên mẫu thứ hai được thực hiện ở Dubai. Ashay cho biết thiết kế sản phẩm được lấy cảm hứng từ những đôi giày bóng rổ vào đầu những năm 2000 để gợi cảm giác quen thuộc.

[Bài 12/8] Chàng sinh viên làm giày tái chế từ túi nilon và chai nhựa - Ảnh 1.

Hành trình của Thaely Sneaker

Bước đầu tiên là thu mua nguyên liệu thô - túi nilon bỏ đi. Triotap Technologies, một đơn vị quản lý chất thải ở Gurugam (Ấn Độ) là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom chất thải và phân loại túi nilon. Chúng được rửa sạch, khử trùng và phơi khô. Sau đó, chúng được cắt thành các mảnh nhỏ hơn rồi được ép bằng nhiệt để tạo thành ThaelyTex – loại vải tạo nên những đôi sneaker. Tiếp đến, ThaelyTex được chuyển đến nhà sản xuất giày ở Jalandhar, Ashay giải thích về quy trình.

Nhóm của Ashay cũng sản xuất rPET - một loại vải tạo ra từ việc tái chế chai nhựa PET phế thải. Ashay cho biết việc sản xuất rPET sử dụng ít năng lượng hơn 59% so với thông thường. rPET là một trong những thành phần được dùng để làm lót giày, dây buộc, hộp và túi tote đựng sản phẩm.

Phần đế giày được làm từ cao su tái chế từ các vật liệu phế thải như đế giày, lốp xe đã qua sử dụng và một số chất thải công nghiệp khác. Việc tái chế cao su rất có ý nghĩa với môi trường bởi nó đồng nghĩa với việc hàng triệu đế giày và lốp xe cũ không còn bị vứt ở các bãi rác nữa. Bên cạnh đó, tất cả các phần được khâu và dán lại với nhau bằng dung dịch keo 100% thân thiện với môi trường.

[Bài 12/8] Chàng sinh viên làm giày tái chế từ túi nilon và chai nhựa - Ảnh 2.

Kế hoạch tương lai

Ashay cho biết cần 10 chiếc túi nilon và 12 chai nhựa để tạo ra một đôi giày Thaely (được bán với giá 99 USD). Amirlan Kurakov (đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và là một người yêu thích giày thể thao cho biết, với tư cách là người mẫu đầu tiên, anh thấy đây là một đôi giày rất ấn tượng.

"Thaely mềm và nhẹ, rất phù hợp để đi hàng ngày. Tôi chắc chắn sẽ giới thiệu nó cho những người có phong cách tối giản và những người muốn sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường", anh chia sẻ.

Hiện tại, Thaely có 4 mẫu để khách hàng lựa chọn. Kế hoạch của Ashay là đưa sản phẩm đến các cửa hàng bán lẻ ở Dubai và châu Âu. Theo anh, dù Thaely được sản xuất tại Ấn Độ nhưng đây vẫn chưa phải là thị trường lớn đối với những sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, thị trường mà Ashay muốn nhắm tới là châu Âu, Úc và Mỹ.

Ashay tin rằng Thaely đủ sức để cạnh tranh với nhiều thương hiệu bền vững khác trên thế giới. Đến cuối năm nay, thương hiệu đặt mục tiêu tái chế khoảng 200-250 nghìn túi nilon và bán khoảng 25.000 đôi giày thể thao trở lên.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hồi đáp lại thiên nhiên bằng cách tái chế phế thải và biến chúng thành những sản phẩm hữu ích", Ashay chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Nguồn: Swachhindia

Lượt xem: 61
Tác giả: Gia Vũ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...