CĐM thắc mắc vì sao Tina Dương được bảo lãnh: Luật sư khẳng định không cần thiết, vẫn được về
"Trong vụ việc của Tina Dương, theo cơ quan điều tra chỉ mới nhận được một lá đơn của người dân tố cáo cô này lừa đảo, chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Vì thế kể cả ông H không đến bảo lĩnh thì cô này vẫn được quay trở về", luật sư Đại nói.
Vừa qua, Tina Dương (tên thật Ninh Thị Vân Anh, SN 1995, hay còn gọi là Anna Bắc Giang) đã bị Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) mời lên làm việc về đơn tố cáo lừa đảo. Sau đó một người đàn ông tên H. đã đến bảo lãnh cho cô nàng về trang trại riêng tại xã Bình Tân (Bắc Bình).
Trước thông tin đó, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề bảo lãnh. Họ thắc mắc tại sao đang trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, Tina Dương lại được một người không thân thích bảo lãnh tại ngoại?
Tina Dương (tên thật N.T.V.A., sinh năm 1995, hay còn gọi là "Anna Bắc Giang") đã bị Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) mời lên làm việc về đơn tố cáo lừa đảo.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Nguyễn Văn Đại – Công ty Luật TNHH Việt Phong; Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Luật sư cho biết, chúng ta cần phân biệt bảo lãnh và bảo lĩnh. Vì đây là hai khái niệm khác nhau và trên thực tế có rất nhiều người "nhầm tưởng" bảo lĩnh và bảo lãnh là một.
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Còn bảo lãnh lại là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
"Do đó, trường hợp của Tina Dương ở trên cần phải xem xét tại thời điểm công an Phan Thiết mời lên đã tiến hành bắt tạm giam hay chưa? Nếu đã tiến hành thì việc ông H. đến là để bảo lĩnh, chứ không phải bảo lãnh như mọi người vẫn nghĩ.
Hơn nữa, bảo lĩnh chỉ xảy ra khi đã có lệnh bắt tạm giam. Trong vụ việc của Tina Dương, theo cơ quan điều tra, chỉ mới nhận được một lá đơn của người dân tố cáo cô này lừa đảo, chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Vì thế kể cả ông H không đến bảo lĩnh thì cô này vẫn được quay trở về", luật sư Đại nói.
Luật sư Nguyễn Văn Đại.
Theo khoản 2 điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người bảo lĩnh có thể là cơ quan tổ chức nếu bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình, khi cơ quan, tổ chức bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Hoặc cá nhân cũng có thể bảo lĩnh với điều kiện người bảo lĩnh phải đủ 18 tuổi trở lên, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, có thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý. Khi ấy họ có thể bảo lĩnh cho người thân quen và việc này cần ít nhất 2 người, đồng thời phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Về thủ tục bảo lĩnh, người bảo lĩnh nộp đơn xin bảo lĩnh tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh, những người sau đây sẽ có thẩm quyền ra quyết định bảo lĩnh:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
d) Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh.
Cũng theo quy định tại khoản 5 điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Tina Dương là cái tên rất hot trên MXH những ngày gần đây.
Trưa ngày 18/9, Thượng tá Trần Long Khánh – Trưởng Công an TP Phan Thiết cho biết người thân đã bảo lĩnh cho Vân Anh sau khi cô làm việc với lực lượng chức năng. Theo ông, hiện công an chưa có căn cứ gì để bắt tạm giam hay tạm giữ đối tượng vì đến thời điểm hiện tại cơ quan Công an TP Phan Thiết chỉ mới nhận được một lá đơn của người dân tố cáo Tina Dương lừa đảo.
"Vụ việc phải có thời gian, để cơ quan công an điều tra, xác minh, nếu có đủ căn cứ thì sẽ khởi tố. Nhưng đến thời điểm này, chưa có căn cứ gì để khởi tố đối tượng Tina Dương hết", vị lãnh đạo cho biết.
Trước đó, ông N.M.N. (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đã gửi đơn tố giác Tina Dương dùng nhiều thủ đoạn gian dối, giả làm con gái "phó cục tình báo" để chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Phan Thiết để tiến hành điều tra. Trước đó, ông N. cũng đã gửi đơn trình báo đối tượng với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho Công An tỉnh Bắc Giang.