Cậu bé bán nước sâm nuôi mẹ và câu chuyện về đứa trẻ khiếm khuyết nhưng vẹn tâm hồn
Giữa trưa hè nóng bức, người đến người đi vội vã ở ngã tư nên ít ai chú ý đến đứa trẻ bán nước sâm ở góc đường. Đằng sau vóc dáng nhỏ bé là cả một câu chuyện về đứa trẻ hiểu chuyện và kiên cường.
Giữa ngã tư Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), người ta hay thấy một cậu bé tập tễnh từng bước đến mời từng người mua nước sâm. Đấy là em Nguyễn Gia Bảo Quân (14 tuổi). Quân bắt đầu bán nước sâm từ tháng 3 năm nay. Dù còn nhỏ tuổi như vậy nhưng em đã trải qua nhiều nghề như nhặt ve chai, bán vé số,... Cuối cùng, một người dì nuôi nấu nước sâm mát đã cho phép em mang đi bán.
Cậu bé bán nước sâm nuôi mẹ
Bảo Quân cho biết, nhà chỉ có 2 mẹ con. Trước kia, khi mẹ còn khỏe mạnh, mẹ em làm phục vụ tại những quán ăn. Hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau mà sống qua ngày.
Nhưng không may, mẹ Quân phải tiến hành phẫu thuật bệnh gan, sức khỏe suy yếu, vì vậy cho đến hiện tại chỉ còn mỗi em là lao động chính trong nhà. Thu nhập của cả gia đình từ đây cũng chỉ đều dựa vào những chai nước sâm nhỏ bé này của em.
Không những thế, cả nhà còn đang nợ một số tiền lớn vì ca phẫu thuật của mẹ. Cả tiền sinh hoạt và tiền trả nợ đều trông chờ vào từng chai nước sâm bán ra. May mắn là hàng xóm đều thương cảm cho hoàn cảnh của em nên họ hết lòng giúp đỡ. Từ việc cho mượn tiền chạy chữa cho đến việc chăm sóc mẹ khi em ở bên ngoài buôn bán.
Hàng ngày, Quân đều đi bán nước sâm kiếm tiền mưu sinh.
Mỗi ngày em Quân lấy nước sâm từ chỗ người dì nuôi rồi đẩy xe đến góc đường bán. Quân cho biết, hai mẹ con thuê nhà gần đây nên buổi sáng em tranh thủ dọn dẹp, ăn uống rồi đi lấy nước sâm, đẩy ra góc đường, tất cả công việc một tay em tự chuẩn bị. Quân hớn hở khoe chiếc xe đẩy mình mới có để thuận tiện cho việc di chuyển. Trước đây không có xe, em khá vất vả trong việc di chuyển cả thùng nước sâm nặng nề với đôi chân bị tật.
Em Quân cũng chia sẻ trước kia mình đứng ở góc đường đối diện, chỗ đó nắng nóng, người ta mua nước nhiều hơn. Từ ngày chuyển sang chỗ này, người đi đường ít mua nước hơn. Theo tôi quan sát, em Quân đi chào mời tận 3,4 lượt đèn đỏ cơ may mới có một vị khách thương tình dừng chân lại ghé mua, còn lại, họ đều chạy vội cho kịp đèn giao thông.
Ngày nào em cũng lấy 100 chai nước sâm, bán từ 11 giờ trưa cho đến khi nào hết thì thôi. Quân chia sẻ, hôm nào may mắn, hết sớm thì 18 giờ em đã bán xong, còn hôm nào không may, em phải ở lại bán đến tận 21 giờ. Có khi còn chẳng thể bán xong 100 chai, ví như mấy hôm nay, ngày nào cũng là những cơn mưa rào ào ào, xối xả, em chỉ bán được tầm 80 chai.
Đối với mỗi chai nước sâm, tiền vốn đã là 7.000 đồng, giá bán ra cũng chỉ có 10.000 đồng. Tôi có hỏi sao em không tăng thêm, em cười: "Em còn thấy 12.000 đồng là đắt, sợ người ta không mua."
Nước sâm em Quân bán có vị thơm, mùi hương sâm thoang thoảng. Màu vàng trong đẹp mắt. Vị không hề ngọt gắt, thanh thanh. Chai nước luôn được ướp đá, giúp những vị khách đi đường có thể giải khát ngay lập tức trong cái nắng oi ả giữa ngã tư. Những chai nước sâm có lẽ không có gì quá đặc biệt nhưng chứa cả một tấm lòng của em Quân.
Thỉnh thoảng khi mệt, Quân hay ngồi xuống bên vệ đường nhìn dòng người lướt qua. Khi ấy, bóng dáng nhỏ bé của em như chìm hẳn vào trong dòng xe cộ.
Cơ thể khiếm khuyết nhưng tâm hồn vẹn toàn
Em Bảo Quân có cơ thể không vẹn toàn ngay từ khi còn nhỏ. Mắt em bị sụp mí mắt một bên bẩm sinh. Giọng em cũng bị biến dạng, khó phát âm, khiến người đối diện hơi khó nghe. Em kể, do một tai nạn ngày nhỏ nên giọng em bị biến dạng như hiện tại. Em mong rằng sau khi mẹ được chữa khỏi bệnh, em cũng có cơ hội được phẫu thuật.
Ngoài ra, chân của em cũng không được lành lặn mà mang tật từ nhỏ, chân cao chân thấp. Mỗi bước đi của em đều tập tễnh, dễ vấp ngã. Những lúc đèn đỏ, em lại phải lao ra đường thật nhanh để mời người qua đường, nhưng cũng phải nhanh chóng quay về chỗ vệ đường của mình để tránh xe.
Mặc dù đã 14 tuổi nhưng Quân không thể đến trường. Khi tôi hỏi lý do, em cho biết một phần do năng lực của bản thân, "Em không đi học, em học không được." Dù vậy, em nhỏ vẫn có cách cư xử vô cùng lễ phép. Em cúi chào khách, mời hàng bằng cả hai tay và cúi đầu rất sâu để cảm ơn.
Mặc dù không được học hành nhưng nhìn cách cư xử cũng có thể thấy được mẹ em đã giáo dục em thành một đứa trẻ hiểu chuyện và lễ phép.
Chú Nguyễn Hiền Triết (64 tuổi) là bảo vệ ở quán cà phê gần điểm Quân bán hàng, người hay trò chuyện cùng em cho biết: "Cháu nó rất ngoan, hiểu chuyện và hiếu thảo lắm. Có mấy lần mẹ em ra đây, em cũng bảo mẹ cứ về đi, ở đây để con lo. Cháu nó hay nhờ tôi trông dùng thùng nước sâm khi có chuyện đi đâu đó. Tôi cũng rất sẵn lòng giúp đỡ vì nó là một đứa trẻ ngoan."
Khi những lượt xe lướt qua, em Quân lại lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Trời Sài Gòn, buổi trưa thì nóng như đổ lửa nhưng tầm chiều lại là những cơn mưa rào xối xả, không bao giờ chiều lòng những con người nhỏ bé bán buôn vất vả. Dưới cái nắng oi bức, em nhỏ chỉ có thể hướng mắt ra nhìn phía bên kia đường, mong chờ lượt đèn đỏ tiếp theo.
Tầm 5 giờ, em Quân vẫn còn một nửa. Có lẽ hôm nay em Quân lại phải về trễ. Khi tôi rời đi, tôi chỉ thấy bóng em lờ mờ lẫn vào làn xe để mời khách từng chai nước sâm. Đằng sau vóc dáng nhỏ bé ấy là một nghị lực kiên cường của đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi.