Người dân thắc mắc về 2 cây cầu cụt ở Bắc Ninh

Bắc Ninh - Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 2 cây cầu cụt, trống toác 2 đầu, tồn tại gần 20 năm. Nhiều người dân không khỏi thắc mắc về nguồn gốc dự án 2 cây cầu này và đặt vấn đề về sự lãng phí nguồn lực.

Người dân thắc mắc về 2 cây cầu cụt ở Bắc Ninh

Cây cầu cụt, trống toác 2 đầu trên Quốc lộ 1 từ Hà Nội về Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

Tồn tại gần 20 năm

Di chuyển trên Quốc lộ 1 từ Hà Nội về Bắc Ninh, nhiều người không khỏi thắc mắc khi thấy một cây cầu vượt đường sắt cụt ở hai đầu đứng chơ vơ giữa khoảng không rộng lớn.

Cách đó không xa, một cây cầu khác ở khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh cũng trống toác hai đầu.

Khu vực chân cầu một số thời điểm được người dân tận dụng làm nơi bán trà đá.

Cây cầu cụt đoạn qua TP Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

Cây cầu cụt đoạn qua TP Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

Người dân địa phương cho biết hai cây cầu cụt trên đã hiện diện gần 20 năm nay và chưa từng ngày nào được sử dụng. Người dân cũng không rõ công năng của cây cầu là gì.

Thời gian gần đây hình ảnh về hai cây cầu được lan truyền trên một số fanpage mạng xã hội ở Bắc Ninh gây sự chú ý lớn. Nhiều bình luận phía dưới bày tỏ thắc mắc về nguồn gốc dự án 2 cây cầu, đặt ra vấn đề về sự lãng phí nguồn lực.

Hình ảnh về 2 cây cầu cụt lan truyền trên các fanpage mạng xã hội ở Bắc Ninh nhận được sự quan tâm lớn. Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh về 2 cây cầu cụt lan truyền trên các fanpage mạng xã hội ở Bắc Ninh nhận được sự quan tâm lớn. Ảnh: Chụp màn hình

"Tôi chỉ nghe nói dự án đường sắt này dừng thi công vì thiếu tiền. Nhưng bỏ tiền đầu tư xây dựng xong lại bỏ không như thế này thì rất lãng phí", một bình luận cho biết.

Tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án trước năm 2030

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, 2 cây cầu cụt trên thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với tổng mức đầu tư 7.665 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được Bộ Giao thông Vận tải khởi công từ tháng 5.2005.

Thời điểm đó, đây là tuyến đường sắt đầu tiên có tốc độ thiết kế 120km/h được triển khai thi công ở Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án trên được chia thành 4 Tiểu dự án vận hành độc lập; đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 1/4 Tiểu dự án đoạn Hạ Long - Cái Lân.

Đối với các Tiểu dự án: Lim - Phả Lại và Phả Lại - Hạ Long (trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh) đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường, các công trình trên tuyến (cầu, cống, hầm chui…), Tiểu dự án Yên Viên - Lim chưa thực hiện cải tạo, nâng cấp đường cũ.

Năm 2011, Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội (chỉ thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi vốn đã được bố trí).

Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có Thông báo số 139/TB - VPCP thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, tại Kết luận số 49-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án trên trước năm 2030.

Do đó, để xác định sự cần thiết đầu tư, Ban quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, đánh giá Dự án trong tổng thể mối quan hệ với các phương thức vận tải trên hành lang, mạng lưới đường sắt khu vực; đánh giá nhu cầu vận tải và hiệu quả đầu tư.

Trong đó lưu ý dự án xét về hiệu quả tài chính không thể hoàn vốn từ kinh doanh đường sắt nhưng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cho khu vực và cả nước.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết