"Điều em muốn nói" - Làm thế nào để bố mẹ hiểu được teen?

Sau một thời gian học online, nhiều học sinh có thay đổi bất thường về tâm sinh lý. Có những em khép mình hơn, ngại tiếp xúc, có em lại căng thẳng, dễ nổi nóng… Khi đi học trở lại, kết quả học tập không như mong muốn khiến các teen càng cảm thấy áp lực hơn. Vậy “Điều em muốn nói" là gì?

Ngày 17/5, tại trường THCS Giảng Võ (Ba Đình), Hội đồng Đội Trung ương, Báo Tiền phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”.

Các vị khách mời lắng nghe điều học sinh muốn nói và trả lời các câu hỏi của các em tại chương trình

Các vị khách mời lắng nghe điều học sinh muốn nói và trả lời những câu hỏi của các em tại chương trình

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo Phòng GD&ĐT đến từ 30 quận, huyện và nhiều lãnh đạo trường học trên địa bàn Hà Nội.

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được kỳ vọng trở thành diễn đàn mở, để những tâm tư, những chia sẻ thầm kín sâu thẳm trong tâm hồn được học sinh nói ra và người lớn có cơ hội lắng nghe, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Bố mẹ hãy thường xuyên lắng nghe

Tại chương trình, ngoài những tâm tư về tình trạng tâm lý căng thẳng khi đối mặt với kỳ thi hay “sốc” khi đi học trực tiếp, điểm số thấp hơn lúc học online…, đa số học sinh đã chia sẻ về những suy nghĩ lứa tuổi GenZ và những áp lực khi bố mẹ chưa hiểu mình hoặc có những sự quan tâm thái quá tới các em.

Chia sẻ bên lề sự kiện, em Nhật Lâm, lớp 8A1 trường THCS Giảng Võ cho biết: “Bố mẹ em rất bận rộn nên không chia sẻ nhiều, đôi lúc em buồn, nản mà không biết tâm sự với ai. Có những khi bị điểm thấp, em nói với bố mẹ nhưng vì bận họ cũng chỉ dặn dò học hành cẩn thận mà không nhận ra em đang buồn vì điểm kém. Lúc đó em cũng chỉ biết nói với bạn bè phàn nàn về bố mẹ mình, bạn bè đã đưa ra lời khuyên, học hành tập trung thì điểm số sẽ cao…

Đôi lúc, em thấy trong thời đại genZ của chúng em, bố mẹ không hiểu con cái, về những thú vui hay trò chơi của chúng em. Em mong muốn bố mẹ nói chuyện với em nhiều hơn và thường xuyên lắng nghe những mong muốn, cảm giác của em để hiểu và chia sẻ với con nhiều hơn”.

Nói về những vụ học sinh tự tử trong thời gian vừa qua, Nhật Lâm cho rằng: “Áp lực học hành, nhất là khi học online thì ai cũng có. Em thấy các bạn suy nghĩ tiêu cực quá, không hẳn bố mẹ không hiểu chúng ta mà do các bạn suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta nên suy cho thật kỹ, xem bố mẹ muốn tốt cho mình hay hắt hủi mình. Em nghĩ bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con. Nghĩ thế mình sẽ có được những quyết định và hành động đúng đắn hơn”.

Bạn Trần Minh Tâm, học sinh lớp 9A1 cũng cho biết: “Có nhiều lúc bố mẹ quan tâm đến em nhưng cách quan tâm của họ khiến em cảm thấy không được thoải mái và thấy căng thẳng, đôi lúc gây hiểu lầm.

Ví dụ như em kể cho bố mẹ nghe về chuyện chuyện tình cảm của mình với 1 bạn trai ở lớp, bố mẹ đã quan tâm thái quá vào chuyện riêng tư, xem điện thoại, đọc tin nhắn của em với bạn đó khiến em cảm thấy không được thoải mái”.

Học sinh trường THCS Giảng Võ hào hứng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia tâm lý tại sự kiện

Học sinh trường THCS Giảng Võ hào hứng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia tâm lý tại sự kiện

Bạn Lương Thu Hiền, học sinh lớp 9A6 cũng cho rằng: “Em cảm thấy bố mẹ quan tâm đến em nhưng nhiều lúc sự quan tâm đó chưa đúng cách khiến em cảm thấy áp lực. Em muốn bố mẹ quan tâm đúng cách hơn và hỏi có chừng mực để em không cảm thấy áp lực.

Những lúc căng thẳng, đôi khi em cũng nghĩ, cũng như mình, người lớn cũng lần đầu tiên làm người lớn, vì thế, em có lúc em muốn lớn để hiểu họ đang nghĩ gì. Em mong bố mẹ hãy lắng nghe và quan tâm đúng cách để chúng em thấy thoải mái, muốn chia sẻ khi gặp bất cứ chuyện gì, kể cả những chuyện riêng tư”.

Hãy mạnh dạn lên tiếng

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tại sự kiện

Lãnh đạo quận Ba Đình tại sự kiện

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội, chia sẻ: "Tôi cho rằng diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.

Áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình chung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.

Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ.

Áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải vượt sướng để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn. Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp.

Trong cuộc sống sẽ không ai thương mình bằng bố mẹ đâu, luôn yêu thương các con vô điều kiện. Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô nào mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn”.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà là khách mời tại diễn đàn “Điều em muốn nói”

Hoa hậu Đỗ Thị Hà là khách mời tại diễn đàn “Điều em muốn nói”

Diễn viên Xuân Bắc đã có nhiều câu trả lời thú vị tại chương trình

Diễn viên Xuân Bắc đã có nhiều câu trả lời thú vị khiến học sinh thích thú

Theo chị Lê Thị Thảo, phó Trưởng tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, vừa qua, trong thời gian học online, số cuộc gọi liên quan đến rối loạn sức khoẻ tâm thần tăng ở lứa tuổi từ 11 đến 14 tuổi gấp rưỡi so với trước. Đa số các bạn chia sẻ về những vấn đề gặp phải với bố mẹ và áp lực học hành, thi cử. Từ thời điểm các em được đi học trực tiếp, số lượng cuộc gọi này đã giảm đi đáng kể.

“Tổng đài tôi đang làm chỉ có 2 người trực, nhiều khi bị quá tải. Bên cạnh đó có không ít em học sinh chưa biết đến số điện thoại này.

Tôi cho rằng, nên có những diễn đàn chia sẻ, những buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi với học sinh ở quy mô nhỏ hơn với lứa tuổi lớp 9 hay lớp 6, vì ở tuổi này các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý.

Ngoài ra, cần phát triển Phòng Tham vấn tâm lý học đường cho tất cả các trường, đặc biệt là những trường công lập. Bên cạnh đó, nên đào tạo thêm cho giáo viên về kỹ năng, tâm sinh lý học đường để kịp thời phát hiện ra các vấn đề của học sinh, từ đó có những hướng dẫn, xử lý tình huống của các em”.

Lượt xem: 167
Tác giả: Đình Trung
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video