Vì sao VPBank được nhiều công ty chứng khoán đánh giá đầy triển vọng trong năm 2022?
Nhờ chiến lược đẩy mạnh bán lẻ và tài chính tiêu dùng, chỉ sau 10 năm VPBank đã vươn lên vị trí số 1 về thu nhập hoạt động trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Mới đây SSI Research công bố báo cáo chiến lược đầu tư. Với nhóm ngân hàng, nhóm phân tích cho rằng đây sẽ là ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng. Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.
Cũng trong báo cáo lần này, SSI Research đề cập đến hai cổ phiếu ngân hàng tiềm năng là VPB của VPBank và MBB của MB.
Với VPBank, nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng này sẽ đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng và huy động trong quý I dự kiến đạt lần lượt +7% và +12% so với cùng kỳ năm trước (so với mức bình quân ngành là khoảng 4% và 2%). LNTT dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng (tăng 175% so với cùng kỳ), bao gồm toàn bộ khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA.
Nếu loại trừ khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance thì lợi nhuận trước thuế cốt lõi của VPBank vẫn tăng trưởng khoảng 20-25% - là con số tương đối tích cực. Tăng trưởng LNTT cả năm 2022 của VPB cũng sẽ nằm trong nhóm cao nhất ngành với khoản thu phí này. Trong khi kế hoạch phát hành riêng lẻ tiếp tục là chất xúc tác đối với cổ phiếu VPB trong năm 2022.
Không chỉ SSI có những nhận định tích cực về VPBank, hồi đầu tháng 3 công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng năm 2022 sẽ là năm tươi sáng của nhà băng này.
VCSC nhận định hoạt động của FE Credit sẽ phục hồi vào năm 2022. Trong năm 2021, nhu cầu tín dụng thấp đối với tài chính tiêu dùng và chi phí tín dụng tăng đột biến trong bối cảnh tác động tiêu cực từ đại dịch đã kéo giảm tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng mảng tài chính tiêu dùng vẫn cao do nhu cầu tiềm năng từ các cá nhân có thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao.
Sự phục hồi của mảng tài chính tiêu dùng của VPBank vào năm 2022 sẽ hỗ trợ cho việc mở rộng NIM hợp nhất. Ngoài ra, dư nợ tín dụng cho FE Credit tăng đột biến trong quý 4/2021 là một dấu hiệu phục hồi tích cực cho mảng kinh doanh này.
Cũng nhờ chiến đẩy mạnh bán lẻ và tài chính tiêu dùng, chỉ sau 10 năm VPBank đã vươn lên vị trí số 1 về thu nhập hoạt động trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần.
Trong phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank tăng giá tới 4,3%. Sang phiên 7/4, VPB hiện đang tăng tiếp gần 2%. Đà tăng giá của VPBank đã đưa vốn hóa ngân hàng này tăng lên 181.000 tỷ đồng, vượt qua Techcombank để trở thành ngân hàng lớn thứ 3 Việt Nam, chỉ còn đứng sau Vietcombank và BIDV.
Chiến lược “đầu tư lớn” trong mảng môi giới chứng khoán của VPBank cũng mang yếu tố hỗ trợ tích cực. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 hiện tại của Công ty Chứng khoán VPB (VPBS) là dự kiến tăng vốn để đưa công ty này trở thành một trong những công ty môi giới chứng khoán có vốn hóa lớn nhất hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù nhiều thông tin chi tiết về trọng tâm và mô hình kinh doanh của công ty vẫn chưa rõ ràng nhưng nhiều khả năng VPBS sẽ là một đối thủ lớn trong mảng chứng khoán trong tương lai gần.
Mới đây VPBank cũng thông báo tái định vị thương hiệu sau 12 năm gồm thay đổi slogan và tinh chỉnh logo. Nhà băng này cũng đồng thời tăng tốc số hóa mọi quy trình vận hành, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và năng lực quản trị; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mọi phân khúc khách hàng. Với những nhận xét tích cực từ các đơn vị phân tích và động thái chuyển mình trong giai đoạn mới, cổ đông VPBank có lẽ rất kỳ vọng sẽ hái quả ngọt trong tương lai tới.