Thế giới di động "chốt sổ" hơn 500 nhà thuốc An Khang, còn Pharmacity chuẩn bị mở nhà thuốc ở Sân bay Nội Bài?

Nhờ sự tham gia của các ông lớn như Pharmacity, Long Châu, An Khang, thị trường bán lẻ dược phẩm trở nên chuyên nghiệp, cũng cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều.

Pharmacity đứng đầu về số lượng nhà thuốc

Tính đến hết quý 3/2022, theo thành viên HĐQT Thế giới di động - ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết trong cuộc họp với nhà đầu tư vào ngày 24/11 vừa qua, chuỗi nhà thuốc An Khang hiện đang vận hành 529 nhà thuốc (Số liệu trên website An Khang cập nhật ngày 28/11 là 522 nhà thuốc).

Thế giới di động sẽ giữ ở con số này trong năm nay vì hiện tại, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường.

Như vậy, cuộc đua về số lượng nhà thuốc của 3 chuỗi lớn là Pharmacity, Long Châu và An Khang chưa cần đến hết năm cũng có thể dự đoán được thứ hạng.

Số lượng cửa hàng theo website của Long Châu và Pharmacity công bố (ngày 28/11) lần lượt là 878 1074 cửa hàng.

Thế giới di động "chốt sổ" hơn 500 nhà thuốc An Khang, còn Pharmacity chuẩn bị mở nhà thuốc ở Sân bay Nội Bài? - Ảnh 2.

Nguồn: Nhà thuốc An Khang

Mặc dù gia nhập thị trường từ sớm và vẫn đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng nhưng Pharmacity đang bị Long Châu đuổi sát với tốc độ mở chuỗi rất nhanh và quyết liệt. So với kế hoạch 800 cửa hàng đặt ra từ hồi đầu năm, Long Châu không cần đến 12 tháng để thực hiện. Đầu tháng 4, Long Châu đã chạm mốc 600 cửa hàng và từ đó đến nay, họ mở tiếp gần 300 cửa hàng, tương đương với trung bình một tháng mở mới gần 40 cửa hàng.

Long Châu đứng đầu về hiệu quả kinh doanh

Nếu xét theo tính hiệu quả, Long Châu cũng là chuỗi có kết quả tốt nhất. Hệ thống Long Châu đã có lãi nhẹ trong năm 2021.

6 tháng đầu năm 2022, chuỗi Long Châu đem về 4.008 tỷ đồng doanh thu và 32,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, biên lợi nhuận trước thuế khoảng 0,8%. Bình quân mỗi ngày chuỗi nhà thuốc này thu về doanh số gần 22 tỷ đồng.

Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Bạch Điệp vào đại hội cổ đông 2022, doanh thu trên cửa hàng Long Châu để đạt được điểm hòa vốn sẽ phụ thuộc vào quy mô cửa hàng – vị trí đắc địa – tiền thuê mặt bằng; nên biên độ dao động rất lớn.

Có cửa hàng điểm hòa vốn là 500 triệu đồng/tháng, nhưng có cửa hàng phải tới 2 tỷ đồng/tháng. Trong hệ thống Long Châu, có những cửa hàng doanh số đến 10 tỷ đồng/tháng.

Trong quý 3/2022, doanh thu trung bình một cửa hàng Long Châu ở mức 1,1 tỷ đồng/tháng, giảm so với mức 1,5 tỷ đồng/tháng hồi quý 1 năm nay.

Thế giới di động "chốt sổ" hơn 500 nhà thuốc An Khang, còn Pharmacity chuẩn bị mở nhà thuốc ở Sân bay Nội Bài? - Ảnh 3.

Nguồn: Vn Express

Theo thành viên HĐQT TGDĐ - ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ trong cuộc họp với nhà đầu tư vào ngày 24/11, doanh thu trung bình một cửa hàng An Khang là 350 - 400 triệu đồng. Nếu đạt doanh thu trung bình khoảng 450-500 triệu đồng cộng biên lợi nhuận gộp đang có là 22%, cùng với việc kiểm soát tốt như hiện tại thì doanh thu 500 triệu đồng là đạt hòa vốn và thậm chí có lời.

Với Pharmacity, không chia sẻ cụ thể về quy mô doanh thu và điểm hòa vốn của các cửa hàng, nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây đều thua lỗ. Năm 2021, Pharmacity tiếp tục lỗ hơn 363 tỷ đồng, kéo tổng lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo công bố của Pharmacity, họ bắt đầu có lãi EBITDA (Thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) từ tháng 7 năm 2021.

An Khang đã "chốt sổ", Pharmacity chuẩn bị mở nhà thuốc ở sân bay

Tham vọng của Pharmacity là đến năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống lên đến 5.000 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên khắp cả nước, với hơn 35.000 dược sĩ. Như vậy, con số hơn 1.000 nhà thuốc hiện tại mới chỉ đạt được hơn 20% mục tiêu và Pharmacity còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn hiện thực hóa con số 5.000 nhà thuốc này.

Mới đây, theo ghi nhận của chúng tôi, Pharmacity đang chuẩn bị đưa vào kinh doanh một cửa hàng thuốc ở sân bay Nội Bài. Cụ thể là ở tầng 2 khu vực cách ly, khu D nhà Ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Thế giới di động "chốt sổ" hơn 500 nhà thuốc An Khang, còn Pharmacity chuẩn bị mở nhà thuốc ở Sân bay Nội Bài? - Ảnh 4.

Ảnh: An Vũ

Thị trường bán lẻ thuốc mặc dù được đánh giá còn nhiều tiềm năng nhưng hiện tại cũng đang chững lại do sự mở mới và cạnh tranh gay gắt từ nhiều thương hiệu. Kinh tế khó khăn cũng sẽ khiến những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng được tiêu dùng ít đi so với thuốc trị bệnh.

Cần nhớ tới một điểm quan trọng: Mặc dù đều là các chuỗi bán lẻ dược phẩm nhưng cơ cấu ngành hàng của 3 chuỗi Pharmacity, Long Châu và An Khang lại khác nhau. Theo SSI Research, nếu như Pharmacity có tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc (chăm sóc cá nhân, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé) chiếm lên đến hơn 70%, thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. An Khang hiện cân bằng giữa hai nhóm.

Nhận diện được khó khăn, Thế giới di động đã "chốt sổ" năm 2022 ở con số hơn 500 nhà thuốc An Khang. Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết việc mở rộng An Khang sẽ không chạy theo số lượng cụ thể mà sẽ tính toán một cách thận trọng, tập trung vào chất lượng, hiểu rõ mở ở đâu, mở thế nào đảm bảo lợi nhuận, EBITDA dương.

Còn với FRT, việc gia tăng cửa hàng vẫn đang nằm trong sự tính toán và kiểm soát của họ, theo phương châm: Long Châu không có dự định sẽ mở rộng chuỗi mãi – "từ ngàn này qua ngàn khác", mà phải song song giữa tăng trưởng và có lời chứ không bất chấp. " Khi nào chúng tôi cảm nhận đủ rồi thì sẽ dừng lại ", Chủ tịch FPT Retail – Nguyễn Bạch Điệp bày tỏ trong ĐHCĐ 2022.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...