Sốt đất ở Thanh Hoá: Cò mua bán sang tay bằng cọc, thu chênh nhanh 50% chỉ nửa tháng

Cơn sốt đất đổ bộ vào một số khu vực Thanh Hoá khiến giá đất tăng mạnh, kéo theo tình trạng cò mua bán bằng cọc "viết tay", kiêm chênh khoản lời lớn.

Bất động sản Thanh Hoá tăng nóng

Những dự án đổ bộ trên giấy, những dự án dần hiện hữu đã kéo theo sự sốt nóng của thị trường bất động sản Thanh Hoá. Theo khảo sát, giá bất động sản Thanh Hoá tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn gần đây, đặc biệt là đất nền.

Tính từ đầu năm 2021 tới nay, có những nơi tăng đến 100%. Một số khu vực TP. Thanh Hóa tăng 90% so với thời điểm mở bán. Giá đất mặt bằng Nam Đông Phát tăng 120%... Giá đất tại một số khu vực như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn cũng tăng trung bình từ 40 - 70% trong vài năm trở lại đây.

Nhiều lô đất tại vùng nông thôn ở Nông Cống được mua cuối năm 2021 với giá khoảng 300 - 400 triệu đồng thì đến nay cũng lô đất đó giá bán đang giao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Sốt đất ở Thanh Hoá: Cò mua bán sang tay bằng cọc, thu chênh nhanh 50% chỉ nửa tháng - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Thanh Hoá sôi động. (Ảnh: V.H)

Đáng chú ý là xuất hiện tình trạng, cò cọc tiền đất sau đó bán lại cọc. Một số thương vụ ghi nhận, chỉ bằng bán cọc, cò đất làm chênh giá gấp 1,5 lần chỉ trong nửa tháng. Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư Thanh Hoá, sốt đất thời gian qua ở Thanh Hoá được "bơm thổi" bởi nhóm môi giới, cò đất và nhóm đầu cơ.

Nếu nhà đầu tư có ý định "thổi giá", tạo sóng ở một khu vực nào đó, nhóm này sẽ chung vốn khoảng 5 đến 10 tỷ đồng, sau đó tạo ra các giao dịch nhộn nhịp ở một khu vực bởi các giao dịch trong nhóm với nhau, tung thông tin giao dịch lên các hội nhóm trên mạng xã hội, lôi kéo cò đất địa phương.

Khi giá bất động sản tăng cao, giao dịch sôi nổi, nhiều người lao vào cơn sốt. Và khi giá đẩy lên quá cao, nhòm đầu tư này đã nhanh chóng thoát hàng rồi mất hút. Kết quả là các đối tượng cò mồi đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, còn các nhà đầu tư non tay thì thì ôm trái đắng.

Thanh Hoá cảnh báo tình trạng bát nháo

Trước tình trạng bát nháo, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản cảnh báo về tình trạng sai phạm trên thị trường bất động sản. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, các giao dịch huy động vốn (hoặc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô) thông qua hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, địa phương đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của người có tài sản đấu giá; thực hiện nghiêm việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng phương án đấu giá QSDĐ trên địa bàn để minh bạch thông tin, ngăn chặn kịp thời hoạt động huy động vốn trái phép để lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp.

Khẩn trương rà soát, kịp thời có văn bản khuyến cáo để người dân biết, không thực hiện giao dịch mua, bán tại các dự án bất động sản không đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng; tuyệt đối không tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi dự án chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất; xử lý nghiêm theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn trái phép, chuyển nhượng QSDĐ, mua, bán bất động sản trái quy định pháp luật.

Tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Sở Xây dựng được giao tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu người trúng đấu giá QSDĐ, chủ đầu tư các dự án đô thị, khu dân cư chấp hành nghiêm quy định về xây dựng hạ tầng, công trình trên đất đúng quy hoạch, tiến độ, chất lượng theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cung cấp đầy đủ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình, biên bản bàn giao đất kèm nhà xây thô cho người mua khi thực hiện giao dịch, chuyển nhượng bất động sản; kịp thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu công an tỉnh này chỉ đạo các phòng chức năng, công an cấp huyện, cấp xã, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong huy động vốn (hoặc chuyển nhượng QSDĐ và nhà xây thô) khi dự án chưa thực hiện, đồng thời chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất.

Lượt xem: 136
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...