Sếp HSBC: Việt Nam cần lưu ý 'di chứng hậu Covid' của nền kinh tế
"Ngay cả khi chúng ta đã phục hồi thì "di chứng hậu Covid" vẫn còn đó. Đó là bất bình đẳng và nợ nần cùng gia tăng. Chính cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương nhất lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ Covid-19", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans lưu ý. Bất bình đẳng và phục hồi toàn diện là một trong 6 xu hướng lớn trên thế giới được dự báo sẽ định hình tương lai các quốc gia, theo ông Evans.
Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, mới đây đã chia sẻ 6 xu hướng lớn trên thế giới được dự báo sẽ định hình tương lai các quốc gia. Ông Evans nhìn nhận Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước dần vượt qua đại dịch Covid-19. Nhờ vậy, chúng ta có thể thấy rõ nền kinh tế dịch chuyển từ trạng thái cầm cự sang phát triển và tăng trưởng.
Tuy nhiên, để Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng trong những năm tới, chúng ta sẽ cần đón đầu một loạt xu hướng lớn trên thế giới, bao gồm:
1. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội cho một đất nước như Việt Nam. Là một quốc gia có đường bờ biển dài với dân số gần 100 triệu dân và một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, viễn cảnh mực nước biển tăng và mùa màng thất bát khi trái đất nóng lên là một mối đe dọa cho an sinh và phồn vinh của xã hội.
Khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang đứng đầu về biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ, tới năm 2050, châu Á có thể đối diện với nguy cơ GDP tổn thất từ 2,8 nghìn tỷ USD đến 4,7 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 2/3 tổn thất GDP trên toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới cảnh báo Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% GDP vào năm 2050.
Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.
Xây dựng một nền kinh tế và xã hội thân thiện với khí hậu, phát thải các-bon thấp sẽ cần nguồn vốn, sáng kiến và cam kết toàn cầu đối với các mục tiêu chung. Mặc dù ứng phó với biến đổi khí hậu là thử thách lớn với chúng ta nhưng đi kèm với đó là cả một cơ hội không nhỏ. Những ngành như công nghệ thông tin, y sinh học, nguyên liệu mới và năng lượng mới đang trở thành những động lực mới, bền vững hơn đối với tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa để tiến tới giảm phụ thuộc vào than như nguồn phát điện và nguồn hàng xuất khẩu. Điện than hiện chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện toàn quốc. Chính phủ gần đây đã cam kết tới năm 2045 sẽ giảm tỷ lệ điện than trên toàn hệ thống xuống dưới 10% và phát triển ngành năng lượng tái tạo để tăng tỷ trọng ngành này lên hơn 50% từ mức hiện tại 12%.
2. Số hóa
Đại dịch đã đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch sang một xã hội số hóa không gián đoạn và kích thích tạo ra những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, những thay đổi này không chỉ xảy ra trong thoáng chốc mà nhiều khả năng mang đến tác động lâu dài.
Các kỳ lân của Việt Nam như VNG, MoMo và VNPay đều có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế
Làn sóng chuyển đổi số sẽ còn tiếp tục thúc đẩy mức độ ứng dụng công nghệ trong các ngành, đặc biệt như làm việc từ xa, y tế, giáo dục, giải trí và dịch vụ tài chính bên cạnh giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện khả năng gia nhập và tiếp cận thị trường.
Một trong những tác động lớn của cách mạng số hóa là bình đẳng hóa sân chơi trên toàn cầu, cho phép những quốc gia như Việt Nam cạnh tranh với nhiều nền kinh tế tiên tiến hơn. Các doanh nghiệp như VNG, MoMo và VNPay, những kỳ lân của Việt Nam, đều có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Nếu chúng ta muốn nối dài chuỗi thành công đó, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và khả năng tiếp cận nhằm xây dựng một hệ sinh thái số phát triển để thúc đẩy sáng tạo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, bảo mật thông tin và riêng tư là những vấn đề cần chú trọng, đặc biệt khi vũ trụ ảo (metaverse) đang ngày càng phát triển và lớn mạnh. Chúng ta cần hợp tác trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu nhằm đưa ra một định hướng và chính sách về dữ liệu thống nhất.
3. Bình đẳng về tiêm phòng
Covid-19 là một lời nhắc nhở rằng đại dịch không chừa một ai. Chỉ khi mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều có được vắc-xin nhanh chóng và đầy đủ như nhau, chúng ta mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và đạt được phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam là một tấm gương sáng trong vấn đề này. Gần 80% dân số đã được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Bộ Y tế đã đặt mục tiêu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em tuổi từ 5 đến 11 trong Quý 2 năm nay. Đây phải nói là một thành tựu quan trọng của Việt Nam nếu xem xét bối cảnh thời điểm 12 tháng trước. Và chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn để hỗ trợ các nước láng giềng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Chỉ khi họ cùng đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin như chúng ta thì khu vực Đông Nam Á mới có thể cùng phục hồi tối đa. Ví dụ, tỷ lệ của Thái Lan hiện khá cao và đây là nơi khởi hành của nhiều khách du lịch muốn đến Việt Nam.
Chúng ta phải tăng cường hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng nguyên liệu thô, phân phối, vận chuyển, lưu trữ, miễn trừ sở hữu trí tuệ trong vấn đề vắc-xin để giúp các quốc gia đang phải vất vả cạnh tranh với những nước giàu để giành được những suất vắc-xin và nguồn cung vật tư y tế với chi phí phù hợp.
4. Thương mại
Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây ra gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng các hoạt động thương mại vẫn là con đường ngắn và trực tiếp nhất để đạt được tăng trưởng kinh tế.
Thương mại toàn cầu đã phục hồi như mức trước đại dịch và chúng tôi kỳ vọng các hoạt động thương mại sẽ tiếp tục bình thường hóa khi đại dịch Covid-19 suy yếu dần ngay cả trong bối cảnh lãi suất tăng gây tác động tiêu cực lên tiêu dùng.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) trong đó gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay, giúp quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới. Các FTA này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong năm nay. Kể từ 15/3, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho du lịch và đi lại quốc tế, chính phủ Việt Nam muốn đảm bảo đất nước lấy lại được nhịp tăng trưởng như trước đại dịch. Mục tiêu chiến lược này có thể đạt được nhờ sự trợ lực của các FTA cũng như những hiệp định song phương Việt Nam đã ký.
Các hiệp định này rõ ràng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và đi kèm với đó là những thách thức bởi quốc gia này sẽ cần tiến hành thêm nhiều cải cách trong nước để giữ được vị thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tạo điều kiện cho các dòng chảy đầu tư trong khu vực cũng như tháo gỡ những rào cản không liên quan đến thuế để cả khu vực có thể phát huy tối đa tiềm năng thương mại.
5. Địa chính trị
Xung đột ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác trên thế giới sẽ còn tiếp tục tạo ra những bất ổn không mong muốn lên nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh quốc tế còn nhiều rối ren, thái độ cởi mở và lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế là một ý kiến đáng trân trọng.
Thông thường, mỗi khi xảy ra bất ổn, các nước sẽ có xu hướng co cụm lại và quay vào trong, đó là lẽ tự nhiên, nhưng những vấn đề lớn của cả thế giới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và lạm phát chỉ có thể được giải quyết trên tinh thần hợp tác sâu rộng.
Câu chuyện thành công của mỗi nền kinh tế, đặc biệt ở châu Á, được viết dựa trên chất liệu của những mối quan hệ kết nối. Nền tảng cho sự thịnh vượng chung của khu vực là tinh thần hợp tác để cùng thành công. Bất kỳ nỗi lực hay hành động nào xa rời tinh thần này chắc chắn sẽ khiến kinh tế và an sinh xã hội của toàn khu vực bị giảm sút. Chúng ta cần hiểu rằng vượt trên các lợi ích chiến lược hạn hẹp, chủ nghĩa cô lập chỉ càng khiến những thử thách mang tính toàn cầu chúng ta đang phải đối mặt trở nên khó khăn hơn.
6. Bất bình đẳng và phục hồi toàn diện
Tác động của đại dịch là vô cùng to lớn. Ngay cả khi chúng ta đã phục hồi thì "di chứng hậu Covid" vẫn còn đó. Đó là bất bình đẳng và nợ nần cùng gia tăng. Chính cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương nhất lại là nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ Covid-19, hàng triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo khó và khắc sâu thêm vấn đề bất bình đẳng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính đại dịch đã khiến khoảng 75-80 triệu người dân châu Á rơi vào cảnh cùng cực kể từ năm 2020. Tiến trình xóa đói, cải thiện điều kiện y tế và giáo dục cũng bị chặn đứng bất chấp trước đây các hoạt động này trên toàn khu vực đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, dù kết quả không hẳn đồng đều giữa các nơi.
Chúng ta cần nhanh chóng nhìn nhận và giải quyết những tác động không nhỏ của Covid-19 đối với vấn đề nghèo khó và bất bình đẳng. Vấn đề cấp thiết bây giờ là các nước đang phát triển thu nhập thấp cần có vắc-xin và nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phục hồi. Đây cũng là cơ hội để xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng nhằm giảm nhẹ tác động của thiên tai cũng như đề phòng những khủng hoảng khác trong tương lai. Đó có thể là tăng cường đầu tư vào y tế và giáo dục, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh và công bằng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và công nghệ cho người dân.