SOS cho bầu Đức: Đang gồng lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỷ, HAGL lại gánh nợ quá hạn 2.000 tỷ đồng, áp lực chịu lãi quá hạn cao gấp rưỡi

Kiểm toán đã chỉ ra những khoản nợ quá hạn của HAG tại BIDV và Eximbank trong BCTC năm 2021.

Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2021. Theo đó, kiểm toán nêu vấn đề nhấn mạnh "Chúng tôi xin lưu ý đến thuyết minh số 2.6 của BCTC hợp nhất, tại ngày 31/12/2021, Tập đoàn có khoản lỗ luỹ kế là 4.467 tỷ đồng. Điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh số 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn."

Tiếp theo trong thuyết minh số 2.6, Kiểm toán đã chỉ ra, tại ngày 31/12/2021, ngoài khoản lỗ luỹ kế Tập đoàn còn đang vi phạm 1 số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.

Tại ngày 31/12/2021, dư nợ của Tập đoàn đã giảm hơn 1/2 so với đầu năm nhưng áp lực trả nợ gốc trong năm 2022 vẫn rất căng thẳng khi mà số dư nợ vay và trái phiếu dài hạn đến hạn thanh toán trong ngắn hạn đến gần 2.000 tỷ đồng, tương tự như năm 2021.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán: Ngoài lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai chậm trả Ngân hàng tới 2.000 tỷ đồng. - Ảnh 1.

Trích BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 của HAG

Mặc dù ngân hàng Sacombank cho vay ngắn hạn nhiều nhất với gần 500 tỷ đồng, nhưng BIDV mới là chủ nợ lớn nhất của HAG với dư nợ trái phiếu 5.876 tỷ đồng.

Điều đáng nói là kiểm toán chỉ ra tại ngày cuối năm 2021, HAG đã chậm thanh toán lãi cho trái chủ BIDV với tổng số tiền là 1.759 tỷ đồng. BC kiểm toán cũng cho biết Tập đoàn đã có kế hoạch thanh toán số tiền lãi quá hạn trên.

Tài sản bảo đảm cho khoản trái phiếu tại BIDV này được bảo đảm bằng 1 số quyền thuê đất trồng cao su, cọ dầu do các công ty trong Tập đoàn sở hữu, nhưng kiểm toán xác định diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn trong hợp đồng tín dụng.

Cho đến ngày lập BCTC kiểm toán (tháng 3/2021) Tập đoàn cũng chưa thanh toán nghĩa vụ nợ vay đến hạn trị giá 179 tỷ đồng theo lịch trả nợ cam kết với Ngân hàng Eximbank. Dư nợ quá hạn này chiếm 28% trong tổng dư nợ trung dài hạn của HAG tại Eximbank.

Như vậy, tổng nghĩa vụ quá hạn của HAG với các nhà băng cần phải thanh toán là gần 2.000 tỷ đồng, nếu không thể sớm giải quyết vấn đề quá hạn, chi phí tài chính của HAG sẽ đội lên nhanh chóng bởi lãi vay quá hạn được quy định bằng 150% lãi trong hạn, chưa kể tiền phạt chậm trả.

Mặt khác, hiện nay theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN "Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN" có quy định toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng (TCTD) phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ.

Chính vì vậy, khi có khoản vay bị chuyển nhóm nợ tại 1 Ngân hàng, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp, các Ngân hàng khác đang cùng cho khách hàng vay phải điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách này. Khi đó áp lực trả nợ với công ty càng căng thẳng.

Nếu việc quá hạn kéo dài, dẫn đến rơi vào nhóm nợ xấu (quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày), 1 hệ quả nữa là HAG có thể sẽ gặp trở ngại trong việc tiếp tục huy động vốn từ các nhà băng.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán: Ngoài lỗ luỹ kế hơn 4.000 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai chậm trả Ngân hàng tới 2.000 tỷ đồng. - Ảnh 2.

Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Trong phần giải trình của HAG về ý kiến kiểm toán, đại diện Tập đoàn cho biết: Tại ngày lập BCTC hợp nhất đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay. Theo đó, HAG khẳng định có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Bên cạnh đó tập đoàn cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo, doanh thu kế hoạch năm 2022 là 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng. Tập đoàn cũng cho biết sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ để huy động vốn chủ sở hữu đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo.

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 sau kiểm toán, Tập đoàn lỗ hơn 130 tỷ nhưng nhờ thu nhập từ thuế TNDN hoãn lại, tổng thu nhập sau thuế TNDN của Tập đoàn lãi 203 tỷ đồng.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...