Chuyên gia: Gia nhập thị trường F&B Việt Nam, không bây giờ thì bao giờ?

Sự mở rộng mạnh mẽ của các thương hiệu F&B quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam, cho thấy bức tranh sáng sủa trong giai đoạn tới.

Tại Hội chợ nhượng quyền Thực phẩm & Đồ uống (F& B), ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm để các thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường F&B Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến đầu tư sáng giá so với với các nước láng giềng Đông Nam Á. Dân số trẻ, năng động, thông minh, thích ứng nhanh, đang gia tăng và ước tính đạt 105 triệu người vào năm 2030 là một lợi thế. Mật độ dân số của Việt Nam cao thứ ba tại Đông Nam Á, tập trung chủ yếu ở Tp.HCM và Hà Nội. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với khoảng 38,7% dân số hiện đang sống ở các thành phố. Tất cả những điều này, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và mức tiêu dùng ngày càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu F&B quốc tế gia nhập thị trường.

Về dân số, chỉ 20 năm trước đây cấu trúc nhà phố, nơi ba thế hệ chung sống còn phổ biến. Nhưng hiện nay, khoảng 53% dân số dưới 35 tuổi và độ tuổi kết hôn trung bình là 24. Điều này đồng nghĩa sẽ có ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ sống ở các căn hộ chung cư; họ muốn sự tiện lợi, nhiều dịch vụ ăn uống xung quanh cùng với các tiện ích giải trí. Và lĩnh vực bán lẻ, bao gồm cả F&B phản ánh các yếu tố cơ bản của nhân khẩu học xã hội hiện nay ở Việt Nam.

Vị trí tốt và lưu lượng khách hàng cao là một số yếu tố quan trọng để các thương hiệu F& B phát triển kinh doanh. Do đó, hầu hết các thương hiệu đều muốn hiện diện ở những khu vực thu hút nhóm người tiêu dùng trẻ. Nhóm này có thu nhập khả dụng tương đối tốt, sẵn sàng đón nhận các xu hướng ẩm thực mới và hiện đại. Nhiều người trong số họ đã đến Singapore và quen thuộc với một số món ăn hoặc thương hiệu của quốc gia này. Do đó, các thương hiệu F&B tham gia MakanSingapore sẽ có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở đây.

Theo chuyên gia Colliers, hiện nay, nhiều nhà phát triển lớn cân nhắc yếu tố F&B vì đây là một trong những mảng bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam. Cùng với những thay đổi nhanh chóng trong hành vi mua sắm và cách chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch là sự phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử và nhu cầu gia tăng về trải nghiệm đa kênh liền mạch, nhất quán. Người tiêu dùng Việt rất thông minh, am hiểu công nghệ. Do đó, bất kỳ thương hiệu F&B nào muốn phát triển kinh doanh tại đây cần đảm bảo đầu tư vào công nghệ để khi mọi người vào cửa hàng, họ có thể nhận được các lợi ích như giảm giá, thẻ tích điểm, thanh toán trực tuyến…

Đối với các thương hiệu F&B quốc tế đi vào thị trường Việt Nam, họ chọn trung tâm thương mại và các khu vực tương tự để tận dụng sự cộng hưởng thương hiệu và tăng cơ hội quảng bá thương hiệu đến khách hàng. Đây là chọn lựa khá điển hình và về sau họ có thể mở rộng ra các khu vực khác; nhưng đôi khi có những thương hiệu muốn mở cửa hàng đầu tiên ở những mặt tiền đắc địa. Dù vậy, một điều cần lưu ý là đặt hàng trực tuyến. Rất nhiều chuỗi cửa hàng lớn ở đây mở cửa hàng trực tuyến và có một đơn vị thứ cấp đảm bảo việc giao hàng. Các thương hiệu lớn thường đặt nhà hàng, cửa hàng trung tâm tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Nhưng cũng nên xem xét các thành phố phía Nam, nơi có dân số đông và có thể ít cạnh tranh hơn như Cần Thơ và Biên Hòa.

"Việt Nam đang phát triển, đô thị hóa nhanh, dân số ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và mức chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng cao. Thị trường đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Nếu hỏi đây có phải là thời điểm để nhắm đến Việt Nam, khi nào nên gia nhập thị trường này, câu trả lời đơn giản là ngay bây gờ. Hãy tận dụng cơ hội vì Việt Nam là một nơi thú vị với con người và nền văn hóa tuyệt vời! Cơ hội kinh doanh và thành công đang chờ đợi bạn", chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh.

Lượt xem: 132
Tác giả: Phương Nga
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...