Sản xuất dựa vào tự nhiên: Thuận thiên sẽ thuận lợi
Từ cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các mô hình sản xuất dựa vào tự nhiên xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Nhờ sản xuất nông nghiệp "thuận thiên", thu nhập của nông dân tăng nhanh, doanh nghiệp phát triển được uy tín thương hiệu, đạt doanh thu và lợi nhuận bền vững hơn...
Doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi
Năm 2021, phát biểu tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Kể từ khi Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 là sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050 như nhiều nước phát triển, trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển xanh, phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Hưởng ứng chính sách phát triển xanh, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước ta, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bước chuyển đổi bước đầu rất quan trọng, cả về nhận thức và hành động thực tế. Bởi vì, điều này cũng phù hợp với chính lợi ích của doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dựa vào tự nhiên. Cụ thể là các doanh nghiệp đã sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường nhằm phục hồi thiên nhiên, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Nông dân thôn Đông Trại, xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) chăm sóc hoa cúc chi làm dược liệu. Ảnh: NGUYỆT MINH |
Theo ông Phạm Hoàng Hải, phụ trách quan hệ đối tác, Ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh dựa vào tự nhiên nhận được rất nhiều lợi ích. Đó là việc nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề xã hội; tạo ra các giá trị tích hợp, đồng lợi ích; tăng cường quản trị rủi ro và hiệu quả tài chính...
Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những sáng kiến dựa vào tự nhiên để phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp sử dụng hệ sinh thái, quy trình tự nhiên, từ đó hướng đến phát triển bền vững, mang đến đồng lợi ích cho doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học và cho kinh tế-xã hội của đất nước. Điển hình là Công ty Cổ phần Traphaco, một thành viên của dự án phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, thu hái dược liệu theo chuẩn "Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)".
Đứng bên cánh đồng cúc chi mênh mông, ông Nguyễn Tiến Lên (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Trại, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Từ năm 2021 trở về trước, người dân thôn Đông Trại vẫn cấy lúa, trồng hoa màu trên đồng ruộng như các thế hệ cha ông của họ đã làm bao đời nay. Thu nhập từ lúa, khoai và những công việc lặt vặt khác khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Khi địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển vùng dược liệu cung cấp nguyên liệu đầu vào là hoa cúc chi cho Công ty Cổ phần Traphaco, chỉ sau một năm (năm 2022), thu nhập bình quân đầu người của Đông Trại đã tăng lên gần 72 triệu đồng; năm 2023 đã tăng lên hơn 77 triệu đồng/người/năm. Điều này đã góp phần quan trọng để Đông Trại đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Liên kết doanh nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất
Ông Nguyễn Tiến Lên chia sẻ, việc liên kết với doanh nghiệp đã làm thay đổi hẳn thói quen sản xuất của nông dân. Trước đây, người dân Đông Trại vẫn sản xuất theo thói quen cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tự phát và không có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, vứt vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Khi liên kết với Traphaco, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu rất nghiêm ngặt, như không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh để chăm sóc, bảo vệ cúc chi; sau khi sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh, người dân phải thu gom vỏ bao bì, cho vào thùng rác để xử lý. "Các anh chị thấy đấy, bây giờ, trên cánh đồng không còn túi ni lông, vỏ chai nhựa vứt bừa bãi như ngày xưa nữa", ông Nguyễn Tiến Lên vừa nói vừa chỉ ra cánh đồng đẹp như tranh. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi cũng tưởng như đang đứng trước những cánh đồng hoa châu Âu.
"Doanh nghiệp họ làm nghiêm lắm. Họ về đo nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong đất, nếu vi phạm là họ trả về toàn bộ sản phẩm. Lúc đầu, bà con còn bỡ ngỡ nên khó chịu. Nhưng giờ thì bà con thích rồi, vì giá cả bán cho doanh nghiệp cao hơn nhiều so với bán ra thị trường tự do. Hơn nữa, bà con cũng đã nhận thức được rằng mình cung cấp dược liệu nên quan trọng nhất là phải bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh", ông Nguyễn Tiến Lên nói.
Đánh giá cao những thay đổi tích cực từ việc doanh nghiệp ngày càng mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh dựa vào tự nhiên, với cấp độ ngày càng cao hơn, bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) mong có hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp này. "Doanh nghiệp phát triển dựa vào tự nhiên phải đối mặt với nhiều thách thức. Một là giải pháp dựa vào tự nhiên sẽ mất nhiều thời gian để đo đếm về lợi ích kinh tế. Hai là thiên tai, rủi ro và biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới các mô hình thuận thiên. Ba là chưa có tiêu chí rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thuận thiên tiếp cận với các nguồn tài chính xanh. Do vậy, họ cần nhận được sự hỗ trợ để phát triển", bà Phạm Thị Cẩm Nhung nói.
Như vậy, sản xuất dựa vào tự nhiên, sản xuất thuận thiên mang lại lợi ích đồng thời cho rất nhiều chủ thể, cuối cùng là mang lại lợi ích cho toàn thể loài người khi trái đất, môi trường sống của con người được bảo vệ tốt hơn. Tất nhiên, xung quanh nội dung này còn rất nhiều vấn đề, như chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển bền vững công bằng. Không phải mọi lĩnh vực đều có thể chuyển đổi sản xuất thuận thiên một cách dễ dàng. Do vậy, để có thể mở rộng sản xuất thuận thiên ra tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ công bằng từ những nước, vùng phát triển trước tới những nước, vùng phát triển sau. Có như thế mới tạo ra nguồn lực tổng hợp thúc đẩy net-zero trên phạm vi toàn cầu.
CHIẾN THẮNG