Xuất khẩu tăng tốc
Sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Những tháng cuối năm dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, tạo đà cho xuất khẩu.
Tín hiệu tích cực từ nhiều ngành hàng chủ lực
Trong 7 tháng năm 2024 nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp được cả mùa và được cả giá, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất. Hầu hết mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau, quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%; hạt tiêu tăng 46,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%... Với kết quả này cho thấy, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay. 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch XK nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch XK cả nước.
Không chỉ có nhóm hàng nông sản, trong 7 tháng, XK tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch XK và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng XK chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%; sắt thép các loại tăng 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19%; hàng dệt và may mặc tăng 4,3%; giầy dép các loại tăng 10,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%...
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: ĐAN THANH |
Nhìn tổng thể trong bức tranh chung của nền kinh tế, XK hàng hóa tiếp tục là điểm sáng, cho thấy sự phục hồi mạnh. 7 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường XK, kim ngạch XK tới hầu hết thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch XK cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường liên minh châu Âu ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.
Đánh giá về kết quả tích cực này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề cập tới kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
XK hàng hóa những tháng cuối năm tiếp tục nhận được nhiều cơ hội từ nhu cầu thị trường; việc thực thi các hiệp định thương mại tự do; Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Hiện nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn những rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững... Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá XK một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê... tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị XK nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Để duy trì đà XK của ngành dệt may trong những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy XK. Ngành dệt may đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... nhằm định hướng cho doanh nghiệp. Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam đề xuất các cơ quan thương vụ cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng da giày, túi xách tại thị trường sở tại; cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của liên minh châu Âu để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng...
Để thúc đẩy XK hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam...
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất, nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Cùng với các giải pháp nêu trên, để ứng phó với tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng cường phối hợp, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất, nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyển đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương thức: Đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
VŨ DUNG