Nhà đầu tư bất động sản phải 'sẵn' tinh thần, có thể ‘vô tình lướt sóng trở thành cư dân’

Theo chuyên gia, khi đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2022 cần phải cẩn trọng. Cần biết mình là ai, đang tham gia dự án ở giai đoạn nào, ‘con sóng’ nào... và không thể không biết đến hai loại rủi ro khi đầu tư.

Lý do bất động sản luôn giữ đà tăng

Trong một tòa đàm về triển vọng đầu tư năm 2022, lý giải dù thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng giá bất động sản vẫn giữ đà tăng, ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA) cho hay, lý do chính do nguồn cung hạn chế, hầu như toàn bộ thị trường thiếu nguồn cung đặc biệt phía Nam.

Ông Khôi phân tích, nguồn cung không có trong khi nhu cầu dù có giảm nhưng tốc độ giảm không nhiều như nguồn cung nên giá vẫn tăng. Người mua nhà thật để ở bắt buộc phải di chuyển ra vùng ven như Bình Dương, Long Thành, Đồng Nai hay tại Hà nội thì phải ra khu vực ngoại ô mua đất.

Nhà đầu tư bất động sản phải sẵn tinh thần, có thể ‘vô tình lướt sóng trở thành cư dân’ - Ảnh 1.

 
Theo chuyên gia, khi đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2022 cần phải cẩn trọng. (Ảnh: Minh Thư)

Cùng với đó, thời gian qua, ngân hàng đều giảm lãi suất cho khách hàng để khuyến khích vay và giải ngân vì áp lực giải ngân khó khăn. Chủ đầu tư có nhiều chính sách như miễn lãi từ 18-24, thậm chí 36 tháng, thậm chí với số vốn bỏ ra thấp, gần như 0 đồng khách hàng vẫn có thể vay với tỷ lệ cao để mua bất động sản.

Ngoài ra, kỳ vọng nhiều nhà đầu tư đi sớm đón đầu; khi thị trường khó khăn, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua, giải ngân vào bất động sản.

Cũng không thể tránh tình trạng nhà đầu tư chốt lời ở thị trường khác như chứng khoán sẽ có suy nghĩ rằng bỏ tiền vào kênh đầu tư nào có tính bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra lạm phát và bất động sản là kênh nhà đầu tư đang quan tâm.

5 giai đoạn đầu tư và 2 loại rủi ro cần chú ý

Phân khúc nào tiềm năng, khu vực nào tiềm năng là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi muốn đầu tư bất động sản, nhưng theo ông Khôi, đây là câu hỏi đúng nhưng chưa đủ.

“Thực sự, khi muốn đầu tư bất động sản, đa số mọi người sẽ áp dụng phân tích từ trên xuống giống như chứng khoán, tức là phân tích vĩ mô, từng khu vực, rồi đánh giá tác động cơ sở hạ tầng... Về lâu dài, thị trường được ủng hộ bởi cơ sở hạ tầng, bởi đầu tư công vẫn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm; nhưng sự thật đó không nhất thiết là điều kiện chúng ta nên để ý tới.

Có thị trường tôi đánh giá về mặt vĩ mô rất tốt nhưng vẫn có nhà đầu tư bị “giam hàng, bị “chết” như thường nên chúng ta phải cẩn thận với việc phân tích. Quan trọng nhất, nhà đầu tư phải tự đánh giá mình muốn là ai trong chuỗi đầu tư bất động sản”, ông Khôi lưu ý.

Theo chuyên gia bất động sản này, đầu tư bất động sản được chia thành 5 giai đoạn đầu tư là booking đặt hàng, đặt cọc, ký hợp đồng mua bán, thanh toán và cuối cùng là để ở.

Vì thế, theo ông nhà đầu tư phải xác định xem mình tham gia giai đoạn nào bởi mỗi giai đoạn kỳ vọng đầu tư khác nhau, rủi ro cũng khác nhau.

“Không quan trọng là chọn thị trường nào mà quan trọng hơn là chọn phương pháp đầu tư như thế nào. Đồng thời, phải có chiến lược, kế hoạch đầu tư, kế hoạch dòng tiền phải đúng với định vị của chúng ta khi tham gia vào bất động sản. Trong một dự án bất động sản không quan tâm ở khu vực nào, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng hay Sóc Trăng... mà đầu tư thì đều theo các giai đoạn đầu tư.

Thị trường bất động sản như nhiều con sóng gộp lại với nhau chứ không phải một con sóng lớn, vì thế khi nhìn vào thị trường bất động sản phải xem mình đang ở con sóng nào. Tuỳ khẩu vị nhà đầu tư, muốn có kỳ vọng lợi nhuận cao hơn thì phải đi sớm hơn; còn muốn đầu tư an toàn thì chờ dự án ra sản phẩm mới mua, nhưng kỳ vọng lợi nhuận sẽ thấp hơn”, ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, trên thị trường bất động sản, có nhiều loại rủi ro khác nhau nhưng chủ yếu được chia thành hai loại rủi ro chính, đó là rủi ro của bản thân dự án, chủ đầu tư và rủi ro thị trường.

Ông Khô phân tích, khi tham gia giai đoạn càng sớm thì rủi ro thị trường càng thấp. Vì khi dự án mới ra chắc chắn chủ đầu tư và môi giới phải làm thị trường cho chúng ta, thanh khoản không phải là vấn đề lo lắng. Nhưng lúc này, rủi ro lớn nhất lại là pháp lý. Do đó, khi tham gia cần chú ý dự án có pháp lý chưa? Chưa có pháp lý cũng không phải quá tệ mà khả năng ra pháp lý của chủ đầu tư thế nào?...

Rủi ro về thị trường, khi càng đầu tư ở giai đoạn sau của dự án thì khả năng thanh khoản giảm đi, rủi ro càng cao.

“Chúng ta phải chuẩn bị sẵn tinh thần, vô tình lướt sóng trở thành cư dân, cũng có thể xảy ra. Do đó, khi đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2022 cần phải cẩn trọng. Khi tham gia vào thị trường mới cần có kiến thức, cần biết mình là ai, đang tham gia dự án ở giai đoạn nào và rất cần cẩn thận với thông tin”, ông Khôi lưu ý thêm.

Lượt xem: 171
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...