Ngành ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số

Sáng 4/8, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" nhằm đưa ra những giải pháp tạo tiện ích, thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ.

Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; Qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; Qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; Qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ngân hàng của Việt Nam đã chuyển đổi số ở top đầu, hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 70% năm 2025; Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các đơn vị tiêu biểu gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Nam Á, Napas đã tham gia trình diễn demo công nghệ như mở tài khoản, phát hành thẻ eKYC trên cơ sở kết nối M.O.C với căn cước công dân gắn chíp hoặc kết nối, sử dụng tài khoản định danh xác thực điện tử, thanh toán bằng mã QR...

Về lĩnh vực thanh toán, Napas đã giới thiệu tại sự kiện tiêu chuẩn VietQR và phương thức thanh toán, chuyển tiền bằng mã VietQR do Napas phối hợp các ngân hàng triển khai. Việc ra mắt tiêu chuẩn VietQR tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của mã QR do Ngân hàng Nhà nước ban hành và tiêu chuẩn thanh toán QR của EMVCo mang ý nghĩa tạo sự liên thông và đồng bộ của hạ tầng thanh toán qua QR code trong lãnh thổ Việt Nam, cũng như mở rộng liên kết thanh toán quốc tế.

Ngành ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng (Ảnh: VGP)

Để triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử…

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành ngân hàng đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, vừa do áp lực phát triển, vừa do sự quan tâm của lãnh đạo ngành. Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ giúp cả nước chuyển đổi số nhanh.

Nói về sự khác biệt giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ cuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung vào mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn; Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho họ. Chuyển đổi số tập trung vào mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân, lấy người dân, người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

Ngành ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm của các ngân hàng

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng khẳng định, tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó. Nhìn rộng hơn, những ngành có nhiều quan hệ với người dân và doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong.

Trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; Phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; Xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.

Trước hết, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, việc chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; Có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; Phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; Cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; Phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Đặc biệt là việc tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Lượt xem: 44
Tác giả: Hậu Lộc
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...