Du lịch bùng nổ sau dịch: ACV lãi kỷ lục, Vietjet Air lãi ròng gấp 31 lần cùng kỳ năm ngoái, ngành hàng không đã sẵn sàng cất cánh trở lại?

SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 của ngành hàng không được dự phóng cao hơn nửa đầu năm.

 

Ngành hàng không phục hồi

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 của ngành hàng không cho thấy sự phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu 3.430 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước đại dịch. Sau khi trừ đi giá vốn, tổng công ty này đạt mức lãi gộp hơn 1.622 tỷ đồng, cao gấp 60 lần cùng kỳ.

Lãi sau thuế của ACV đạt mức 2.598 tỷ đồng, bằng 7,7 lần cùng kỳ, thậm chí còn cao hơn cả thời kỳ trước đại dịch là năm 2019 và lãi kỷ lục từ trước tới nay.

Trong khi ACV đang lãi kỷ lục thì Vietnam Airlines (HVN) vẫn lỗ 2.570 tỷ đồng dù kết quả kinh doanh có cải thiện. Trong quý vừa qua, doanh thu của HVN tăng mạnh 178% đạt 18.324 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 190% trong đó doanh thu nội địa tăng 252% và doanh thu quốc tế tăng 1.039% so với cùng kỳ do thị trường phục hồi mạnh mẽ sau khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa.

Tuy vậy Vietnam Airlines vẫn lỗ 2.570 tỷ dù đã giảm 1.879 tỷ đồng, tương đương giảm 42% cùng kỳ, bên cạnh hoạt động chính phục hồi, các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags, ... đều kinh doanh có lãi.

Đối với Vietjet Air, trong quý 2/2022, doanh thu hợp nhất đạt 11.590 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không này đạt 181 tỷ đồng, gấp gần 31 lần.

Nửa cuối năm tươi sáng

Theo dự báo của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 của ngành hàng không được dự phóng cao hơn nửa đầu năm. Điều này xuất phát từ nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh. Trong tháng 6, lượng hành khách nội địa đạt 120-130% mức năm 2019, so với chỉ 16% trong tháng 12/2021, do bị dồn nén trong 2 năm qua. Năm 2022, khách trong nước ước tính đạt 89 triệu lượt khách, tăng 200% so với năm 2021 và tăng 20% so với năm 2019.

Du lịch bùng nổ sau dịch: ACV lãi kỷ lục, Vietjet Air lãi ròng gấp 31 lần cùng kỳ năm ngoái, ngành hàng không đã sẵn sàng cất cánh trở lại? - Ảnh 1.

Ngoài ra lượng khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm đạt 5 triệu lượt khách trong năm nay, tăng 15% của mức 2019. Trong tháng 6/2022, khách quốc tế chỉ bằng 10% mức trước COVID, tăng từ 5% tại thời điểm cuối năm 2021, do không còn kiểm soát biên giới hay cách ly/xét nghiệm Covid, Việt Nam cũng là một trong những nước nới lỏng các quy định nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận chưa mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không). Việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm 2022, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.

Mặt khác, các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, SSI Researcho lưu ý điều này tác động đến lãi/lỗ có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023

So với năm 2022, SSI Resear cho dự báo ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong 2023 tuy nhiên nhưng chưa quay về mức trước Covid cho tới cuối năm 2023. Nguyên nhân bởi mặc dù sản lượng khách nội địa đạt 98 triệu lượt, được dự báo tăng 10%, khách quốc tế tăng mạnh lên 29 triệu lượt khách nhưng vẫn thấp hơn 19% so với mức trước Covid. Đến cuối 2023, khách quốc tế được dự báo sẽ hồi phục hoàn toàn về mức 2019 (3 triệu lượt khách/ tháng).

Năm 2023, các hãng hàng không cần tái khởi động các tuyến bay trước COVID đến thị trường quốc tế trong bối cảnh giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt và khả năng nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu. Mặc dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận có thể tích cực do mức so sánh thấp trong năm nay và một số nhu cầu dồn nén về du lịch quốc tế sau 3 năm. 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...