Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực kỹ thuật cho ngành công nghiệp

Ngành công nghiệp của Thủ đô hiện đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ đều mong muốn lựa chọn được nhân lực có tay nghề kỹ thuật đồng đều ngay từ ghế nhà trường.

Các ngành nghề công nghiệp “hút” học viên

Ngành công nghiệp của Hà Nội đã có những bước phát triển lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, "mở cửa" nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong hai năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, mạnh mẽ vượt qua đại dịch COVID-19.

Các tiết học thực hành tại trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội

Các tiết học thực hành tại trường Trung cấp Cơ khí I Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Cùng với đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao với chuyên môn giỏi, tay nghề vững, kỹ năng chuyên nghiệp. Tỷ lệ học sinh lựa chọn trường nghề với các khối ngành công nghiệp đang có xu hướng tăng dần theo từng năm.

Tất cả các trường Trung cấp thuộc Sở đặc biệt là các Trường với ngành/nghề chủ đạo thuộc nhóm ngành Kỹ thuật đã luôn khẳng định được thương hiệu và niềm tin từ phía người học bởi chất lượng đào tạo nghề cùng với công tác giải quyết việc làm. Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất, ttrang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cho đào tạo nghề.

Theo đánh giá của các đơn vị, công tác tư vấn hướng nghiệp phân luồng đã được thực hiện rất tốt nhằm nâng cao kết quả tuyển sinh vào học nghề. Đa phần những học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường nghề từ sớm đều đã xác định rõ định hướng nghề nghiệp. Do đó, những ngành học cam kết có việc làm, với mức lương ổn định đều có sức hút rất lớn.

Các trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Cao đẳng Điện tử, Điện lạnh Hà Nội... hiện đang thu hút được đông học sinh đăng ký. Sở dĩ những trường này được nhiều học sinh lựa chọn do đào tạo những ngành/nghề kỹ thuật “hot”, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, ra trường sẽ có việc làm ngay với mức lương khá cao.

Những năm gần đây, Trường Cơ khí I Hà Nội với chỉ tiêu tuyển sinh được giao hàng năm khoảng 900 hệ trung cấp luôn tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, các ngành nghề Cắt gọt kim loại và Hàn được thí sinh đăng ký nhiều. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân lực hai nghề này với số lượng lớn nhưng trường đào tạo không đủ cung ứng.

Vì “khát” nhân lực nên mức lương khởi điểm của nghề Cắt gọt kim loại rất cao từ 7- 15 triệu đồng/tháng, nghề Hàn 9-10 triệu đồng/tháng. Trong thời gian đi thực tập, học sinh còn được doanh nghiệp trả lương.

Trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội (ESTIH) có hai nghề tuyển sinh rất tốt đó là nghề Tin học ứng dụng, nghề Kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy tính. Đây cũng là những ngành/ nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu tương đối cao.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: “Nhà trường có một số ngành được xem là “chủ đạo” thu hút đông đảo học viên đúng như tên gọi của Trường đó là ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Khi kết thúc năm học và bắt đầu năm học mới, nhà trường đều triển khai kiểm tra, rà soát, bổ sung trang thiết bị để khai thác tối ưu hiệu quả để phục vụ cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học viên nắm vững kiến thức khi ra trường”.

Doanh nghiệp “bắt tay” nhà trường

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp đã và đang nỗ lực hợp tác với các trường dạy nghề để đào tạo học viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác học viên các trường dạy nghề có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.

TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội giới thiệu với các doanh nghiệp về các ngành đào tạo nổi bật của trường.

TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội giới thiệu với các doanh nghiệp về các ngành đào tạo nổi bật của trường

Cũng theo ý kiến chia sẻ của TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Hiện nay, trong mô hình đào tạo của nhà trường, ngoài các chương trình đào tạo chung, chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng. Các khóa đào tạo này chúng tôi thường phối hợp rất chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp.

Ví dụ, hiện nay chúng tôi đã và đang thực hiện hợp tác với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội để đào tạo nâng cao kỹ năng, kỹ thuật, tư vấn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi thường xuyên, liên tục, việc cập nhật đào tạo, nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động sẽ là nhu cầu rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi đang có những kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn, thu thập nhu cầu, yêu cầu của các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, các khóa học đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp”.

Trong những năm gần đây, hoạt động phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, hướng nghiệp, tuyển dụng được Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Nhà trường đã tổ chức ký kết hợp tác, hội thảo trao đổi kinh nghiệm đào tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn đã hợp tác bền vững trong công tác tiếp nhận học sinh, sinh viên của nhà trường đến thực hành, thực tập và tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.

Nếu được sự đồng hành của các doanh nghiệp, cùng với việc tạo các cơ chế chính sách tốt thì mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ ngày càng phát huy hiệu quả của công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết tốt việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Lượt xem: 4
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...