Việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp chưa đến mức bi quan
Kết quả khảo sát về tình hình lao động - việc làm tại 3.795 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng chưa đến mức bi quan.
Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2023 và 4 tháng đầu năm 2023 cho biết: Trong tháng, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 27.985 lượt người, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 4 tháng là 108.639/300.000 lượt người, đạt 36,2% kế hoạch năm.
Về tạo việc làm mới, trong tháng có 12.304 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới trong 4 tháng là 48.879/140.000, đạt 34,9% kế hoạch năm. Tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4 là 96 người, chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, tập trung ở ngành nghề chính như: Chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tính từ đầu năm tới nay, đã tiếp nhận 32.255 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 28.618 người lao động đủ điều kiện, so với cùng kỳ giảm 4,17% (1.244 người). Số người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) đến tháng 3/2023 là 2.476.381, giảm 2,2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Trong tháng 4/2023 có 12.304 việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới trong 4 tháng là 48.879/140.000, đạt 34,9% kế hoạch năm |
Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ năm 2022, trong quý I/2023, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,16%, số việc làm mới tăng 0,03%. Khảo sát trên 3.900 doanh nghiệp về tình hình cung - cầu lao động cho thấy trong quý II/2023, có 877 doanh nghiệp cần tuyển gần 14.200 lao động.
Trong quý II/2023, song song với việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh tần suất, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động.
Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, nhất là các đơn hàng trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến gỗ… xuất khẩu đi các nước nên ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Vì vậy, để hỗ trợ lao động thất nghiệp, giúp người lao động tái trở lại thị trường, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố chủ động phương án tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động.
Để hỗ trợ lao động thất nghiệp, giúp người lao động tái trở lại thị trường, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động |
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chuyên trách thực hiện kịp thời các chính sách BHTN để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài việc được hỗ trợ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Sở cũng tiếp tục nắm bắt tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với BHXH thành phố rà soát lại các doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời, hạn chế tình trạng người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm.
Để phát huy tối đa vai trò của chính sách BHTN, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTN, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp. Qua đó, giúp người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Việc làm cho người lao động chưa đến mức bi quan
Thông tin về tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, cung - cầu lao động những tháng đầu năm 2023, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn là hơn 4,6 triệu người, hơn 4,4 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Số lao động được hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là 146.285 người. Trong 2 tháng đầu năm 2023, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 17.153 người. Đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, xu hướng người lao động mong muốn được nhận đủ số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi được tư vấn, giới thiệu việc làm và sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức làm việc để không tham gia BHXH cũng như để được hưởng đủ số tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Qua khảo sát về tình hình lao động - việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng chưa đến mức bi quan |
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh tình hình chính trị tại một số nước và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có các đối tác, khách hàng ở các nước, dẫn đến tình hình lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, Sở đã tiến hành rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động - việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo kết quả trả lời khảo sát của 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3/2023 thì tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý nhưng chưa đến mức bi quan.
Nhận định này rút ra dựa trên các số liệu khảo sát như: So với thời điểm cuối năm 2022 có 30,75% doanh nghiệp phản ánh “lao động giảm”, 50,65% doanh nghiệp “lao động giữ nguyên” và 18,6% doanh nghiệp có “lao động tăng”. Riêng trong nhóm cắt giảm lao động, rơi chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da - dệt may, xây dựng, chế biến lương thực phẩm.
Về nhu cầu tuyển lao động trong quý II/2023, có 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là 8.229 lao động, lao động chưa qua đào tạo là 5.441 lao động; 1.429 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển và 1.515 doanh nghiệp chưa biết sẽ có tuyển hay không vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị.
Tương tự, khi đánh giá về tăng/giảm lao động quý III/2023, có 57,57% ý kiến chưa biết tình hình lao động tại doanh nghiệp sẽ theo chiều hướng nào, 32,14% duy trì như cũ, 8,72% dự kiến tăng và 1,55% dự kiến giảm.
Khảo sát triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023 cho thấy, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan, với 62,31% doanh nghiệp cho rằng sẽ “hoạt động bình thường”, 16,54% “tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm” và 9,3% “tiếp tục thiếu hụt đơn hàng” và 11,75% các nhận định khác.
Kết nối cung cầu lao động, tư vấn hỗ trợ người lao động tại các phiên giao dịch việc làm |
Để đảm bảo việc làm trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình lao động, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động; Hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công trên địa bàn.
Đồng thời, Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan và doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng hình thức tổ chức trực tiếp và online để kịp thời tư vấn hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu tìm việc và chuyển gửi các doanh nghiệp để phỏng vấn việc làm trực tiếp.
Thành phố cũng sẽ triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh để trao đổi thông tin, kết nối cung - cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, kịp thời có sự phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh làm việc trong một số trường hợp bất khả kháng.
Cùng với đó, các cơ quan tích cực giải quyết chính sách BHTN và tư vấn học nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề thì sẽ có những chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo các chế độ quy định.