Cổ phiếu LPB đi xuống liên tục, sếp Liên Việt nói "không biết làm sao để thổi giá lên"

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết giá cổ phiếu của LPB hoàn toàn theo diễn biến thị trường chứ không có sự can thiệp nào cả và ông cũng chẳng biết làm sao cho giá lên.

Chiều ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - mã chứng khoán LPB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo các kế hoạch chủ chốt trình đại hội và được cổ đông thông qua, năm 2022 ngân hàng sẽ hướng tới lợi nhuận 4.800 tỷ đồng trong năm nay, chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động và phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng mạnh vốn điều lệ thêm 41,6% lên trên 21 ngàn tỷ đồng. Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, LienVietPostBank sẽ nằm trong nhóm các ngân hàng có quy mô lớn nhất.

Tại đại hội cổ đông đã chất vấn lãnh đạo LienVietPostBank về các kế hoạch kinh doanh cũng như những góp ý để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng.

Về kế hoạch lợi nhuận, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc cho biết, con số 4.800 tỷ đưa ra là kịch bản xấu nhất - phòng ngừa những rủi ro do tác động của Covid-19 bởi trong quý 1 ngân hàng đã lãi hơn 1.700 tỷ đồng. Con số 4.800 tỷ cũng chưa bao gồm phần lợi nhuận có thể được ghi nhận khi ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm với đối tác.

Về hợp tác bảo hiểm, ông Sơn cho biết tháng 5/2022 sẽ kết thúc hợp tác với Dai-ichi Life và ngân hàng đang tích cực đàm phán với các đối tác lớn trên thế giới. Nếu mọi việc thuận lợi, việc đàm phán có thể kết thúc trong tháng 6. Và khi ký được hợp tác, lợi nhuận của LienVietPostBank năm nay sẽ có thay đổi rất lớn.

Liên quan đến cổ phiếu, cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo ngân hàng vì sao chỉ tính chia cổ tức bằng cổ phiếu, vì sao VNPost không thể thoái vốn và vì sao giá cổ phiếu liên tục đi xuống.

Ông Phạm Doãn Sơn cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là rất tốt cho cổ đông vì thực tế giá cổ phiếu mà hơn 20 – 30 (20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu) thì tỷ lệ chia 15% bản chất tương đương 30%. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là theo quy định của NHNN để tăng năng lực vốn cho các ngân hàng, có nguồn lực để phát triển.

Việc VNPost không thể thoái vốn là do diễn biến thị trường chưa thuận lợi. Nhà nước đã đưa ra định giá thì không thể bán thấp hơn. Được biết cổ phiếu LPB được các tổ chức tư vấn cho VNPost là gần 29.000 đồng, nhưng đến thời hạn bán đấu giá, cổ phiếu này chỉ ở mức quanh 24.000 đồng, thấp hơn gần 20% so với mong muốn.

Còn về giá cổ phiếu LPB diễn biến thế nào đó hoàn toàn là theo thị trường, không có "thổi giá gì cả". "Tôi không hiểu tại sao giá cổ phiếu một số ngân hàng tăng cao như vậy. Tôi không biết làm sao cho giá cổ phiếu LPB lên cao được, tôi chỉ biết làm sao cho ngân hàng tốt nhất" – ông Sơn chia sẻ với cổ đông.

Thực tế trên thị trường, theo dõi của chúng tôi cho thấy, giá cổ phiếu LPB giảm liên tục trong  3 tháng qua và không có "sóng" tăng nào, giảm tổng cộng khoảng 27%. Thậm chí trong 2 tuần gần đây còn rơi mạnh. Kể từ ngày chốt danh sách cổ đông để phát hành riêng lẻ giá 10 là 6/4, cổ phiếu LPB từ hơn 21 nghìn đồng điều chỉnh về 19.800 và đến hết ngày 28/4 chỉ còn 16.150 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu LPB đi xuống liên tục, sếp Liên Việt nói không biết làm sao để thổi giá lên - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu LPB trong 3 tháng qua
Lượt xem: 175
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...