Ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số tại Thanh tra Chính phủ

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ nhận định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu và xem đây là trọng tâm hàng đầu, cần phải triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.

Article thumbnail
Thanh tra Chính phủ cũng đang từng bước đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động hiểu và nắm bắt về xu thế tất yếu khách quan. Ảnh: PV

Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Thanh tra Chính phủ cũng đang từng bước đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động hiểu và nắm bắt về xu thế tất yếu khách quan, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng nghiệp vụ chuyên môn trong công tác chuyển đổi số của đơn vị.

Tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số như sau:

- Một là, quán triệt nhận thức số và nắm bắt xu thế tất yếu khách quan của cách mạng công nghệ 4.0 chuyển đổi số:

+ Cách mạng công nghệ 4.0 là để mô tả một sự tiến hóa trong công nghệ và tổ chức sản xuất. Trong đó, tập trung vào việc sử dụng các công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), công nghệ đám mây (Cloud Computing) và công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường (Virtual Reality/Augmented Reality) để tạo ra các hệ thống tự động hóa thông minh, kết nối và tương tác với nhau.

+ Đối với cơ quan Nhà nước, cách mạng công nghệ 4.0 mang lại nhiều lợi ích và cơ hội phát triển trong việc:

* Cải thiện hiệu quả trong hoạt động, như: Tăng năng suất lao động thông qua việc tự động hóa các tác vụ, tối ưu hóa quy trình để giảm thiểu sai sót.

* Cải thiện hiệu quả quản lý, như: Tăng cường khả năng dự đoán bằng cách sử dụng AI để mô phỏng trước các khả năng, tình huống có thể xảy ra trước khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự thông qua các công cụ đào tạo trực tuyến, các hệ thống quản lý, phân tích dữ liệu, theo dõi, đánh giá hiệu suất và phát triển kỹ năng của nhân sự.

* Cải thiện hiệu quả trong cung cấp dịch vụ cho người dân, như: Giao dịch trực tuyến thuận tiện thông qua các công cụ, ứng dụng giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, thực hiện các giao dịch từ bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Với nhiều lợi ích và cơ hội do cách mạng công nghệ 4.0 mang lại, việc nhận thức đúng về ứng dụng công nghệ 4.0 chuyển đổi số là tất yếu khách quan của thời đại ngày nay, nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.  

- Hai là, ứng dụng công nghệ 4.0 chuyển đổi số tại Thanh tra Chính phủ bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:

+ Hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng, quản lý và vận hành theo quy định của Chính phủ. Trong đó, Trung tâm Dữ liệu của Thanh tra Chính phủ đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ và cung cấp nền tảng cơ sở hạ tầng cho nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thanh tra. Các dữ liệu điện tử được lưu trữ, quản lý, xử lý và bảo mật tập trung trong Trung tâm Dữ liệu đã góp phần cho cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng truy xuất và tìm kiếm, ra quyết định dựa trên thông tin; các phần mềm ứng dụng sử dụng chung trên toàn quốc đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định và an toàn.

+ Các phần mềm ứng dụng xử lý nghiệp vụ từng bước được xây dựng, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như ngành Thanh tra, như:

* Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được sử dụng từ năm 2000 với các tính năng cơ bản trong quy trình tiếp nhận, xử lý và ban hành văn bản đã phục vụ tốt công tác quản lý, theo dõi các văn bản đi và đến của cơ quan, đơn vị. Hệ thống được cập nhật, nâng cấp lần lượt qua các năm 2013 và 2018 đã đáp ứng yêu cầu quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; tích hợp chữ ký số điện tử; kết nối với Trục Liên thông văn bản quốc gia để kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

* Hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về khiếu nại, tố cáo đưa vào sử dụng năm 2018 trên toàn quốc với mục tiêu thống nhất về quản lý, khử trùng lặp đơn thư, tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham mưu, báo cáo tình hình đầy đủ, chính xác và kịp thời về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hệ thống dữ liệu đã được cập nhật thông tin, đồng bộ dữ liệu tạo thành hồ sơ vụ việc điện tử duy nhất từ cấp xã/phường đến Trung ương, giúp loại bỏ đơn trùng, tiết kiệm thời gian xử lý đơn thư.

Hiện nay, hệ thống đang được điều chỉnh, bổ sung để kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, xác minh thông tin công dân khi thực hiện khiếu nại, tố cáo; đồng thời, hoàn thành chủ trương nâng cấp, hoàn thiện CSDL về khiếu nại, tố cáo, đảm bảo kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

* Hệ thống CSDL về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng từ những năm 2014 đến thanh tra các tỉnh trong cả nước để thay thế việc sử dụng các phương pháp thủ công trong lưu trữ và xử lý số liệu, giúp cho việc tìm kiếm thông tin liên quan đến các dữ liệu về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng chính xác, nhanh chóng và tiện lợi.

Năm 2021, hệ thống được nâng cấp hiệu năng xử lý, mở rộng phạm vi sử dụng đến cấp quận/huyện/sở, ngành trên toàn quốc.

* Hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được đưa vào sử dụng từ năm 2022 trên cơ sở khai thác dùng chung thông qua Bộ Nội vụ đầu mối kết nối, quản trị.

* Hệ thống CSDL quốc gia về kiểm soát tài sản thu nhập, đang được triển khai xây dựng theo Quyết định 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025.

Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để tiến tới xây dựng hệ thống CSDL về công tác thanh tra, công tác đảng, đoàn thể để đưa vào ứng dụng sử dụng cho những năm tiếp theo.

- Ba là, định hướng kế hoạch Chiến lược Phát triển chuyển đổi số của Thanh tra Chính phủ tới năm 2025 và năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ như sau:

+ Về nhận thức số: Xác định các nhiệm vụ để nâng cao nhận thức số, trong đó nhấn mạnh các hoạt động chỉ đạo về chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo từ Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, các cục, vụ, đơn vị tại Thanh tra Chính phủ; các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

+ Về thể chế số: Xác định các văn bản, cơ chế, chính sách cần xây dựng để phát triển chuyển đổi số bảo đảm an toàn thông tin.

+ Về hạ tầng số: Xác định các nội dung phát triển hạ tầng số các cấp tới cấp phòng đối với đơn vị trực thuộc cấp cục và tương đương trong đó ưu tiên xây dựng, sử dụng hạ tầng số dùng chung trên cơ sở xác định đúng, đủ nhu cầu.

+ Về dữ liệu số: Xác định các nội dung phát triển dữ liệu số của cơ quan trong đó ưu tiên xây dựng, sử dụng các CSDL dùng chung, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các CSDL quốc gia. Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước. Mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước để phát triển kinh tế số, xã hội số.

+ Về nền tảng số: Phát triển các nền tảng, hệ thống cho phát triển Chính phủ số/chính quyền số để phát triển kinh tế số, xã hội số.

+ Về nhân lực số: Các nhiệm vụ để bảo đảm nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng.

+ Về an toàn thông tin mạng: Các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng bao gồm các hoạt động như: Hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin; triển khai các hoạt động nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin...

+ Về Chính phủ số: Xác định những nhiệm vụ cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, bảo đảm khai thác triệt để hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin và CSDL lớn quy mô quốc gia, đồng thời bảo đảm sự kết nối giữa các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương với các hệ thống này, bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình.

Ứng dụng công nghệ 4.0 chuyển đổi số có thể giải quyết được nhiều câu hỏi, bài toán mà thực tiễn khi triển khai nghiệp vụ chuyên môn, cũng như dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân ở Việt Nam đặt ra.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...