Techfest Vietnam 2022: Chia sẻ cách để trở thành kỳ lân công nghệ

Tại Hội thảo “IPO - Đường băng sáng tạo, kỳ lân cất cánh”, các chuyên gia, CEO của những doanh nghiệp về công nghệ đã có những chia sẻ về cách phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là niêm yết trên thị trường chứng khoán (IPO).

Start-up công nghệ phải minh bạch số liệu

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, CEO MoMo đã chia sẻ ngắn gọn hành trình trở thành kỳ lân của ví điện tử MoMo. Sau khoảng 10 năm, MoMo hiện đã không còn đơn thuần là một ví điện tử, mà đã và đang trở thành một sàn thương mại điện tử.

Hiện có khoảng 31 triệu người dùng MoMo, biến siêu ứng dụng này trở thành ví điện tử đứng đầu người dùng và khối lượng giao dịch. Hiện số tiền thanh toán qua MoMo đã đạt 500 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, CEO MoMo phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, CEO MoMo phát biểu tại Hội thảo

Để có được thành quả này, MoMo đã xây dựng được hệ sinh thái đa dạng dịch vụ, đáp ứng mọi nhu cầu đời sống của người Việt như dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, tài chính tiêu dùng, dịch vụ bảo hiểm, hoạt động xã hội, thương mại điện tử, viễn thông tiện ích, hệ thống nhà hàng, dịch vụ giải trí…

Theo ông Diệp, để trở thành kỳ lân công nghệ, starup công nghệ phải tích lũy, xây dựng và phát triển tối thiểu 6 yếu tố.

Đầu tiên là xây dựng sản phẩm sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm và phải có hàm lượng công nghệ cao. Dám làm những gì chưa ai nghĩ ra hoặc không dám thực hiện. Thứ hai là phải có tầm nhìn về sự phát triển của thị trường và biết cách mở rộng quy mô dịch vụ. Thứ ba, phải biết cách quản lý tài chính, chi tiêu phù hợp. Đây là lỗi mà nhiều người khởi nghiệp đã mắc phải.

Thứ tư là tìm được đồng đội cùng chia sẻ, không làm vì tiền hay lợi ích ngắn hạn trước mắt. Thứ năm, kiên trì với ước mơ, mục tiêu ban đầu đề ra. Sau cùng, là phải trung thực, minh bạch về số liệu.

Phải định giá thương hiệu

Trong khi đó, tiến sĩ Đỗ Văn Phú - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, thì nói về giá trị thương hiệu. Ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải định giá thương hiệu?”. Đồng thời cho rằng quá trình xây dựng thương hiệu phải qua truy trình 4 bước gồm: Định hình, định tính, định lượng và tạo giá trị bền vững.

Bước đầu, định hình là quan trọng trong lộ trình để phát triển, rồi bước sang định tính, xem từ nhũng yếu tố nào để tiếp tục phát triển, trên cơ sở đó sẽ có định lượng, lựa chọn những giá trị cốt lõi để phát triển (như marketting, văn hóa doanh nghiệp…).

Ông Đỗ Văn Phú - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Đỗ Văn Phú - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Làm tốt các bước trên sẽ tạo ra giá trị bền vững. Giá trị bền vững là những giá trị mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho khách hàng, dần dần hoàn thiện những giá trị này.

“Khi có đầy đủ 4 yếu tố này, thì việc kiểm soát quy trình sẽ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn”, ông Phú nói.

Về hệ số giá trị của doanh nghiệp, theo ông Phú, thì chất lượng - giải pháp khách hàng chiếm đến 75%, giá cả chiếm 67%, hàng hóa có sẵn trong cửa hàng chiếm 36%, thói quen của khách hàng chiếm 34%, đóng gói chiếm 26% và quảng cáo - PR chiếm 15%.

Ông Phú cũng cho rằng nếu doanh nghiệp IPO, thì doanh thu sẽ tăng đột biến từ giá trị cổ phiếu. Đó là lí do vì sao mà doanh nghiệp nên cố gắng để được IPO.

Kinh nghiệm IPO ở nước ngoài

Hội thảo còn có sự chia sẻ của những chuyên gia trên thị trường chứng khoán (TTCK) ở nước ngoài. Họ chia sẻ ngắn gọn các bước cơ bản để một starup công nghệ Việt Nam IPO trên TTCK tại Pháp, Mỹ…

Ông Trần Như Tuấn - CEO Công ty tài chính Wigo Finance, cho biết có 4 nội dung IPO cho kỳ lân công nghệ tại Pháp là gọi vốn cho kỳ lân công nghệ, gọi vốn cộng đồng, niêm yết trên TTCK và dịch vụ.

Những người tham gia hội thảo lắng nghe kinh nghiệm IPO tại TTCK Pháp, Mỹ...

Những người tham gia hội thảo lắng nghe kinh nghiệm IPO tại TTCK Pháp, Mỹ...

Bài toán gọi vốn cho kỳ lân công nghệ đã có sản phẩm, doanh thu, khách hàng vừa dễ lại vừa phước tạp. Tại Pháp, thường có 3 cách gọi vốn là gọi vốn từ các quỹ đầu tư, gọi vốn bằng tiền số và gọi vốn trên TTCK.

Các doanh nghiệp công nghệ tại Pháp chủ yếu tham gia TTCK Euronext, một sàn chứng khoán lớn tại châu Âu với sự tham gia của 15 quốc gia, hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ, tổng giá trị thị trường là 6,4 tỷ Euro.

Sàn này phân thành 3 nhóm: Euronext cho các doanh nghiệp lớn, Euronext Growth cho các doanh nghiệp vừa và Euronext Access cho các doanh nghiệp nhỏ.

Quy trình niêm yết trên Euronext gồm 4 giai đoạn: Báo cáo thị trường, cung cấp thông tin chi tiết được kiểm định của công ty; Thực hiện trước 6 tháng. Đăng ký phát hành, trình bày và thuyết phục sàn chứng khoán cho phép phát hành cổ phiếu; Thực hiện trước 4 tháng. Chương trình tiếp thị, trình bày dự án cho các nhà phân tích tài chính, nhà đầu tư và công chúng; Thực hiện trước 3 tháng. Phát hành cổ phiếu, nhận đơn đặt hàng, chốt giá IPO và số lượng phát hành; Trước 1 tháng.

Các đại biểu Ký kết hợp tác chiến lược Tổ chức và thúc đẩy ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trên nền tảng số

Các đại biểu ký kết hợp tác chiến lược Tổ chức và thúc đẩy ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trên nền tảng số

Trong khi đó, ông Martin Đoàn - Chủ tịch Msquare Holdings & Quỹ AGGC, một quỹ chuyên đầu tư tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cho biết quỹ của ông hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, huy động được hơn 2 tỷ đô cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, vì những yếu tố chính trị, cách làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc, nên dần dần bị “rụng”. Dẫn đến việc niêm yến trên TTCK tại Mỹ đang được bỏ trống và cũng là hy vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Dịp này, Mạng lưới Nhà đầu tư IPO Techfest quốc gia được ra mắt. Đồng thời, có 2 ký kết hợp tác chiến lược được thực hiện đó là Hợp tác chiến lược Đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên hành trình IPO, kỳ lân công nghệ bức phá và cất cánh; Tổ chức và thúc đẩy ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trên nền tảng số.

Lượt xem: 34
Tác giả: Xuân Thọ - Đình Cương