Tạo lực đẩy ngành công nghiệp điện tử

Công nghiệp điện tử là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đây đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế-kỹ thuật của một quốc gia trên thế giới.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, đưa Việt Nam lọt top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 114 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2021, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology... Đáng chú ý, ngành điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti vi, máy giặt, điện thoại, máy in... đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên). 

Nhấn mạnh về vai trò của ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhấn mạnh, ngành điện tử có vai trò đóng góp rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước. Đơn cử như năm 2022, cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành điện tử xuất siêu 11,246 tỷ USD; năm 2021 cả nước xuất siêu 4 tỷ USD, ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn trong xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. “Ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết.

Nhìn nhận ở góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là do các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của DN trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài.

Trong ngành công nghiệp điện tử, xu hướng về tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh và liên tục đổi mới. Việc đi sâu vào nghiên cứu và triển khai đã trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của các DN về công nghiệp điện tử. Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính, linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và nỗ lực của DN. Theo đó, Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ, thúc đẩy DN tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn; cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các DN trong những công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp có triển vọng trong lĩnh vực điện tử phát triển, từ đó đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, nhất là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. 

Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp DN trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tags: điện tử
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...