Elon Musk ‘khen nức nở’ WeChat của Trung Quốc, quyết tâm bắt chước biến X thành ‘app vạn năng’ tương tự
Musk không phải người duy nhất có tham vọng làm ra một siêu ứng dụng vạn năng như WeChat, nhưng tất cả những người đi trước đều đã thất bại.
Vừa qua, Elon Musk đã công bố một kế hoạch mới trên mạng xã hội X. Theo đó, ứng dụng X sẽ có thêm tính năng nghe gọi và video call không cần số điện thoại, X sẽ trở thành cuốn "danh bạ toàn cầu". Thời gian ra mắt chính thức chưa được công bố nhưng cư dân mạng đã vô cùng háo hức vì biết đâu một ngày nào đó họ có thể… gọi được cho những nhân vật nổi tiếng như Rihanna hay Harry Maguire chỉ qua ứng dụng X.
"Đây thực sự là một app đỉnh cao…"
Lời công bố trên khiến mọi người nhớ đến nhận xét trước đây của Musk về WeChat, ứng dụng trò chuyện, kết nối mạng xã hội phổ biến bậc nhất tại Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2022, trong cuộc phỏng vấn trên số 69 của chương trình podcast mang tên "All-In", Elon Musk đã hết lời khen ngợi ứng dụng này: "Ai dùng WeChat rồi thì biết, tôi thấy WeChat thật ra là một mô hình hay đấy chứ. Ở Trung Quốc, người ta như sống luôn trên WeChat vậy. Nó làm được mọi thứ. Giống kiểu Twitter cộng với Paypal cộng với ti tỉ thứ khác, tất cả hợp làm một trong một giao diện tuyệt vời. Đây thực sự là một app đỉnh cao. Bên ngoài Trung Quốc làm gì có app nào như thế."
Việc mua lại Twitter chính là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng X, một "ứng dụng vạn năng", hay "WeChat phiên bản Mỹ" của Elon Musk. Đây cũng là lý do nhà tỉ phú này từng tuyên bố: "Đối thủ của Twitter sẽ không chỉ là mạng xã hội truyền thống như Facebook." Tháng 7 năm 2023, tên ứng dụng cũng như trụ sở chính của Twitter đã được đổi sang "X" chỉ sau một đêm, đánh dấu thêm một bước đi của Musk trong kế hoạch toàn diện này.
Musk có ý định nghiên cứu sâu hơn mảng video mà TikTok đang dẫn đầu, bổ sung thêm các dịch vụ thanh toán, kết nối thẻ ghi nợ và tài khoản ngân hàng trên X. Trên thực tế, sau khi hoàn tất việc mua lại Twitter vào tháng 11 năm ngoái, Musk đã cho gửi hồ sơ lên Bộ Tài chính Hoa Kỳ để xin trở thành đơn vị xử lý thanh toán. CEO Linda Yaccarino của X cũng chính thức tiết lộ rằng dịch vụ thanh toán và ngân hàng cũng sẽ sớm được tích hợp vào ứng dụng.
Nếu chức năng nghe gọi và video call chính thức được ra mắt, đây sẽ là thay đổi lớn nhất giúp X trở nên giống WeChat hơn. Có điều, cư dân mạng đang lo ngại không biết các cuộc gọi có được mã hóa hay không.
Tham vọng "siêu ứng dụng", Musk không phải người duy nhất
Điều đáng nói là trong những năm gần đây, ngoài Musk ra còn có rất nhiều nhân vật khác trong giới công nghệ cũng muốn xây dựng những siêu ứng dụng như WeChat. Cách đây bốn năm, Mark Zuckerberg cũng đã có ý định biến ứng dụng trò chuyện WhatsApp thành một nền tảng đa dịch vụ. Còn sau khi Uber hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng từng tuyên bố sẽ biến ứng dụng Uber thành "Amazon của giao thông vận tải". Những điều này phản ánh tham vọng mở rộng đế chế số của giới công nghệ Thung Lũng Silicon.
Tuy nhiên, tất cả đều đã thất bại. Mark Zuckerberg đã thêm các chức năng thanh toán, thương mại vào Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp nhưng chưa có chức năng nào trong số đó thực sự trở nên nổi bật và phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại này, chủ yếu là do quy định và văn hóa.
Về mặt quy định, nếu các gã khổng lồ công nghệ Mỹ muốn xây dựng siêu ứng dụng một cách suôn sẻ thì phải chịu sự giám sát chống độc quyền rất nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý trên thế giới.
Về mặt văn hóa, trợ lý giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc tế Florida chỉ ra rằng người dùng ở Mỹ chỉ quen với các ứng dụng một dịch vụ, họ không thích phụ thuộc quá nhiều vào một ứng dụng duy nhất.
Do đó, siêu ứng dụng X của Musk có thể lặp lại thành công của WeChat hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Tham khảo từ: X, Net Ease