Nhìn thẳng - Nói thật: Mặt trái “AI” và bài học “phản nghệ sĩ”
Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống khiến xã hội có những thay đổi ít ai ngờ tới (kể cả những thay đổi tích cực, những ảnh hưởng tiêu cực và những hệ lụy đáng quan ngại) thì lĩnh vực nghệ thuật cũng nằm trong bối cảnh chung đó.
Đối với nghệ thuật, sáng tạo là bản chất đặc trưng hàng đầu của nghệ sĩ. Nói đến nghệ thuật là nói đến cá tính sáng tạo mang dấu ấn riêng của mỗi nghệ sĩ. Khi không có (hoặc lười biếng) tư duy, cảm xúc sáng tạo, mà lại dùng công nghệ AI làm tiểu xảo tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như ý, thì đó chẳng khác nào “cái giá treo cổ” đối với sự nghiệp của nghệ sĩ.
Chuyện chẳng đâu xa, rất gần đây, rất thời sự và rất đáng cảnh báo. Đó là một tay máy đã dùng công nghệ AI để bồi đắp, chắp ghép đám mây y như thật vào bức ảnh của mình rồi mang đi dự thi và đoạt huy chương đồng tại cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh. Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau khi bị giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp phanh phui, ít ngày sau đó, Ban tổ chức đã thu hồi giải thưởng không xứng đáng này.
Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Trước đó, bức ảnh đoạt giải nhất trong cuộc thi ảnh về Hà Nội cũng không được trao sau khi công bố, bởi tác giả bị tố đã lạm dụng công nghệ AI để can thiệp, chỉnh sửa tác phẩm đạt đến độ “tinh xảo một cách hoàn hảo” nhưng thực chất là “đánh lừa cảm xúc người xem” như nhận định của các nhiếp ảnh gia uy tín.
Gần đây, những người yêu sách Việt lại phát hiện thêm một “hiệu ứng domino” trong hoạt động xuất bản khi 6 cuốn sách (thơ, truyện ngắn, tản văn) đều có chung một giao diện bìa sách lấy nguyên mẫu từ bức họa của một người có tên tuổi trong giới văn chương. Theo nhiều nhà phê bình sách, sự trùng hợp “ngẫu nhiên” này chính là mặt trái khi công nghệ AI đã sao chép, nhân bản 1 bìa sách cho 6 cuốn sách có nội dung khác nhau; đồng thời nói lên sự lười nhác sáng tạo của họa sĩ thiết kế bìa sách.
Vấn đề lạm dụng công nghệ AI để can thiệp, nâng cấp, “sáng tạo” trong nghệ thuật không chỉ xảy ra ngày càng nhiều ở nước ta mà cũng là vấn nạn ở nhiều nước trên thế giới. Điều này dễ thấy nhất trong lĩnh vực hội họa. Thời gian qua, giới hội họa người thì vui mừng khi những công cụ sáng tạo nghệ thuật (AI art generator) như: Midjourney, Dall-E, Deep Dream Generator... đã giúp giới cầm cọ, người thiết kế có thể nối dài khả năng sáng tạo vô hạn của mình; nhưng cũng không ít người coi đây là “kẻ hủy diệt” (killer) họa sĩ truyền thống, hay nó cũng được coi là kẻ phản nghệ sĩ (anti-artist) cần phải phòng ngừa, tránh xa.
Như vậy, dưới góc nhìn của giới nghệ sĩ, công nghệ AI cho thấy tính chất hai mặt rất rõ ràng của nó. Trong một số công đoạn sáng tạo nhất định, nghệ sĩ có thể phát huy ưu thế của AI ở một mức độ, chừng mực cho phép để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật tối ưu, nhưng không được phép coi AI là chìa khóa vạn năng để biến không thành có, đổi trắng thay đen, làm sai lệch bản chất ý nghĩa, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thông điệp của tác phẩm.
Trở lại vấn đề muôn thuở của sáng tạo văn học - nghệ thuật, đấy là cảm xúc, là lương tâm, là sứ mệnh xã hội của giới văn nghệ sĩ. AI là công nghệ đỉnh cao của khoa học - công nghệ, có nhiều ưu điểm nhưng nó vẫn vô tri vô giác, vô cảm, nên hoàn toàn không biết rung động như trái tim, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của con người. Thế nên, nếu văn nghệ sĩ nào đó còn lạm dụng AI để can thiệp, “sáng tạo” tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ vì sự háo danh hay lợi nhuận thuần túy thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn phản bội niềm tin yêu của công chúng.
HỒNG SƠN