Dự thảo Luật Thủ đô: Tạo sự đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều điểm mới, tạo đột phá, cần được ban hành sớm để khung khổ pháp lý đủ rộng và thông thoáng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững, trong đó có sản xuất nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn…

Cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy

Tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 1/8, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong hơn 10 năm qua, Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy giá trị trong thực tế, góp phần để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển xứng tầm với Thủ đô, trái tim của cả nước, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng thể chế hoá được các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực và nguồn lực để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Dự thảo Luật Thủ đô được các nhà khoa học đánh giá có nhiều điểm mới

Dự thảo Luật Thủ đô được các nhà khoa học đánh giá có nhiều điểm mới

Theo đó, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra ý kiến thảo luận thêm về một số vấn đề có liên quan đến khoa học công nghệ và Nông nghiệp của Thủ đô.

Về Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST), GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, trong thời đại ngày nay, cạnh trạnh về kinh tế thực chất là cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Ai nắm được know-how (biết - làm thế nào), ai có phương thức quản trị tiên tiến hơn, người đó sẽ làm chủ “cuộc chơi” trong phát triển kinh tế. Vì thế, KHCN và ĐMST có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo đột phá đối với sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Dự thảo luật Thủ đô đã cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần của NQ 15, với rất nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển KHCN gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực…

Một điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi là: thành phố quyết định hoặc uỷ quyền quyết định cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học, chủ nhiệm dự án khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công được chuyển giao không cần bồi hoàn đối với tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ KHCN, dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Thị Lan nhận xét: “Các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu KHCN và ĐMST quy định trong dự thảo mang tính thử nghiệm là chính sách mang tính đột phá, tạo động lực cho việc phát triển KHCN và ĐMST của Thủ đô thời gian tới”.

Để nông nghiệp của Hà Nội có hướng đi riêng

GS.TS. Nguyễn Thị Lan cũng đề xuất một số góp ý: Bổ sung quy định ưu tiên đối với các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; Các chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp ĐMST tương tự như ưu đãi đối với các cá nhân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao KHCN đã được quy định trong dự thảo. Với việc hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm, thành phố cũng nên bổ sung các quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KHCN và ĐMST...

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Cũng theo GS.TS. Nguyễn Thị lan, Dự thảo Luật cũng nên sửa Khoản 4, Điều 23 theo hướng giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng một số Chương trình KHCN&ĐMST trọng điểm của Thủ đô theo hướng trọng tâm, có tính liên ngành, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó, gắn với sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng nên ưu tiên hỗ trợ/miễn hoặc giảm thuế thu nhập, miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp KHCN, Spin off (doanh nghiệp khởi nghiệp từ các viện nghiên cứu, trường đại học), nhằm khuyến khích việc thương mại hóa những công nghệ mới của các cơ sở NCKH; Quỹ đầu tư ươm tạo và khởi nghiệp sáng tạo của thành phố hỗ trợ kinh phí để hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin off…

“Thiết nghĩ, nông nghiệp Hà Nội không nên giống mô hình phát triển nông nghiệp của các tỉnh thành khác. Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, kết hợp chặt chẽ với du lịch hình thành nền nông nghiệp đa giá trị.

Theo đó, thành phố cần cơ cấu lại đầu tư công, đất đại cho phát triển nông nghiệp; trình độ kỹ thuật nông nghiệp và lực lượng lao động trong nông nghiệp, hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu ý kiến.

Từ những vấn đề này, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất, đối với Điều 27: Nên nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt/tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt có thể sử dụng trồng trọt “vô cùng giá trị này”. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu và xem xét bổ sung quy định về thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cac-bon. Trong Điều 26, mục 4: xem xét bổ sung quy định khuyến khích nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị bền vững… Nghiên cứu bổ sung quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ven đô, mang đặc trưng của Hà Nội.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao KHCN, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước

Lượt xem: 10
Tác giả: Đình Trung, ảnh Phạm Mạnh