Tinh gọn bộ máy: Đồng thuận để giảm thiểu xung đột, tạo động lực thực hiện
Sự đồng thuận, nhất trí cao khi thực hiện tinh gọn bộ máy là yếu tố quyết định thành công trong thực hiện cải cách liên quan đến tổ chức, bộ máy, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính, tổ chức xã hội. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm giảm số lượng mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011).
Đoàn kết được hiểu là sự nhất trí - quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình cải cách diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và nhận được ủng hộ từ tất cả người dân. Đồng thuận không chỉ giúp giảm thiểu xung đột mà còn tạo động lực cho quá trình cải cách.
Chúng ta đã thực hiện Nghị quyết số 18 từ năm 2017 nhưng thời gian vừa rồi mới chỉ triển khai tinh gọn bộ máy trong các cơ quan thuộc Chính phủ và trong bộ máy chính trị ở các địa phương. Ở bên các cơ quan của ban Đảng cũng đã thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Nghi Long (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh minh họa: TTXVN |
Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là cuộc cách mạng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị”, thực hiện tinh gọn từ Trung ương đến cơ sở, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực để tái cơ cấu lại tổ chức của cả hệ thống chính trị.
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, bảo đảm vận hành thông suốt hiệu quả cơ chế tổng quát “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Thông qua cải cách tổ chức, bộ máy để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa các cơ quan Đảng - Quốc hội - Chính phủ - Cơ quan tư pháp - Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Thứ tư, cần sự đồng thuận từ các cấp, các ngành để hiểu rõ mục tiêu và ý nghĩa của việc tinh gọn, từ đó giảm thiểu xung đột, tạo sự đồng lòng và ủng hộ. Điều này đặc biệt quan trọng khi các thay đổi có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, vai trò của cá nhân hoặc tổ chức.
Thứ năm, tạo cơ chế cho các bên liên quan, bao gồm các cấp, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương và cả người dân có thể đóng góp ý kiến. Cụ thể, tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ cán bộ và người dân về các vấn đề tinh gọn, vấn đề xây dựng và thực thi chính sách.
Thứ sáu, xây dựng văn hóa làm việc minh bạch, công khai các thủ tục hành chính, quy trình xử lý công việc để người dân và cán bộ dễ dàng tiếp cận, xây dựng hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân để làm cơ sở cải tiến bộ máy hành chính.