Quy định rõ tài sản số sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghệ số

Ngày 6/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số”. Đây là diễn đàn cho các tổ chức, cá nhân quan tâm tới lĩnh vực tài sản số đóng góp ý kiến trước khi dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua.

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp công nghệ số. Luật sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0 để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, sau nhiều lần sửa đổi, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đưa ra những định nghĩa rất phù hợp với bản chất của tài sản số, phân biệt rõ tài sản số và tài sản mã hóa cũng như các quy định pháp lý hiện tại và tương đồng hệ thống quy định của một số nền kinh tế như Hoa Kỳ.

“Việc ban hành Luật sẽ giúp hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong tiến trình chuyển đổi số. Chúng ta đã có Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số nên việc luật hóa tài sản số - mắt xích kết nối các vấn đề trên sẽ giúp hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số”, ông Phan Đức Trung chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi tài sản số được chính thức định nghĩa và điều chỉnh bởi Luật Công nghiệp công nghệ số góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người dùng và giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy kinh tế số, thu hút đầu tư, tăng cường đổi mới sáng tạo, cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Trần Huyền Dinh, Giám đốc điều hành AlphaTrue (đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Web3) cho rằng, hành lang pháp lý rõ ràng về tài sản số sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp công nghệ. Giá trị tài sản số đang hiện hữu trên chuỗi (on-chain) đã lên tới hàng nghìn tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia phân tích những tác động liên quan khi Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua; vấn đề nhận thức về quản lý tài sản số, không chỉ ở góc độ thúc đẩy mà phải cân nhắc việc quản trị rủi ro, đảm bảo các quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn…

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin, Luật Công nghiệp công nghệ số bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số, trong đó có sự quan tâm lớn đối với lĩnh vực tài sản số. Luật được xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý cứng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nói chung và tài sản số nói riêng. Cơ quan quản lý chưa từng có ý định cấm tài sản số mà chỉ cân nhắc hài hòa lợi ích giữa thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền lợi, quản trị rủi ro./.

Tiến Lực

Lượt xem: 18
Tác giả: Vũ Tiến Lực
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...