Văn học nghệ thuật góp phần cổ vũ sức mạnh tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Văn học nghệ thuật góp phần cổ vũ sức mạnh tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

1. Quân khu 4, vùng tuyến lửa anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - nguồn cảm hứng mãnh liệt cho sáng tạo nghệ thuật

Quân khu 4 gồm các tỉnh Bắc miền Trung, một vùng đất có truyền thống anh hùng, bất khuất, thể hiện tập trung ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân khu 4 được gọi là tuyến lửa, nơi phải hứng chịu những loạt bom đạn đầu tiên của đế quốc Mỹ khi leo thang ném bom miền Bắc ngày 5-8-1964. Quân khu 4 là nơi chiến tuyến, nơi thường trực giáp mặt với kẻ thù trên vĩ tuyến 17 suốt hai mươi năm dằng dặc khi đất nước bị chia cắt đôi miền. Những địa danh Quảng Trị, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đã đi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sinh động nhất cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam trong trong hai cuộc kháng chiến.

Quân khu 4 là tuyến đầu chống Mỹ trên đất liền và cũng là tuyến đầu chống giặc trên biển cả. Vùng biển rộng lớn nơi đây có nhiều hòn đảo lớn nhỏ như hòn Mê, hòn Mắt, Hòn Én, Hòn La, đặc biệt là đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, nơi tiền tiêu trên biển, nơi gian khổ ác liệt nhất trong những năm chiến tranh.

Thiên nhiên, đất nước, con người và hiện thực chiến tranh vô cùng khốc liệt đã tạo nên bao cảm xúc mãnh liệt cho các nghệ sĩ trên mảnh đất miền Trung và trên mọi miền đất nước. Với tình cảm yêu nước nồng nàn, với ý thức trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ chúng ta đã có mặt ở tuyến lửa khu 4 trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Họ cùng cả nước hành quân ra trận với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai!” (Tố Hữu); họ đã tự nguyện dấn thân trong khói lửa chiến tranh, đồng hành cùng quân và dân trong đội hình đánh giặc: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu). Hiện thực đời sống gian khổ, ác liệt; tinh thần quyết chiến, quyết thắng; hành động anh hùng, dũng cảm của quân dân khu 4 đã thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tạo những bài thơ, những bản nhạc, những trang văn, vở kịch, những bức họa, thước phim… đầy hùng tráng và trữ tình. Những tác phẩm nghệ thuật ấy phản ánh sinh động hiện thực hào hùng của dân tộc và biểu hiện sâu sắc tình cảm yêu nước thiết tha, ý thức của văn nghệ sĩ về sứ mệnh lớn lao của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn của dân tộc.

2. Hiện thực đời sống và cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ viết về chiến tranh chống Mỹ ở vùng tuyến lửa quân khu 4

2.1. Những ca khúc làm nên phong trào tiếng hát át tiếng bom

Âm nhạc là tiếng nói trực tiếp của tình cảm. Vì thế, những sự kiện lớn trong hiện thực đời sống dân tộc thường được nhà soạn nhạc lên tiếng sớm nhất. Điều đó cũng thể hiện rõ trong đời sống văn nghệ nước ta trong những năm cả nước trên tuyến đầu chống Mỹ.

Khi gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, ngày 5 tháng 8 năm 1964 quân đội Mỹ đã huy động 64 máy bay đồng loạt ném bom các mục tiêu ven biển miền Bắc nước ta: Cảng Gianh (Quảng Bình), cảng Bến Thủy (Nghệ An), cảng Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh) mở đầu cuộc tranh leo thang ném bom miền Bắc hòng làm suy yếu hậu phương lớn của chúng ta. Vùng đất quân khu 4 trở thành tuyến lửa, lũy thép trước những đợt oanh tạc dữ dội của bom đạn quân thù. Cả nước hướng về miền Nam và hướng về khu 4, văn nghệ sĩ cũng lên đường hành quân vào Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên khói lửa để động viên cổ vũ quân và dân ta chiến đấu với lũ giặc trời. Nhạc sĩ Tân Huyền vừa tới Nghệ An đã có ngay bài hát trữ tình đằm thắm mà hào sảng, đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh: Tiếng hò trên đất Nghệ An. Mượn tiếng hò của những người công nhân Bến Thủy, núi Thành, nhạc sĩ đã nói lên ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân dân xứ Nghệ: “Ơi giặc Mỹ hung hăng đừng hòng cắn càn, Xô Viết quê ta tất cả sẵn sàng diệt Mỹ, cùng nhau tưới trồng vườn hoa Nghệ An”. Cũng thời điểm ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân hành quân từ Hà Nội đến tận vùng đất Quảng Bình. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, khi đang ở trận địa của Hải quân Việt Nam, máy bay Mỹ ném bom xuống Quảng Bình, trong cảm xúc trào dâng ông đã để lại một nhạc phẩm bất hủ: Quảng Bình quê ta ơi! Bài hát có ca từ đẹp, gắn với nhiều địa danh Quảng Bình; nhạc điệu vừa mượt mà, êm dịu vừa tươi vui khỏe khoắn, thấm đẫm chất dân ca hò khoan Lệ Thủy, trở thành bản tình ca tuyệt đẹp của Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh. Sau bài Quảng Bình quê ta ơi! hai năm, Hoàng Vân viết ca khúc Bài ca Vĩnh Linh đậm chất dân ca Quảng trị, man mác điệu hò miền Trung, kịp thời ngợi ca chiến thắng của quân dân Vĩnh Linh, Quảng Bình.

Người cũng có nhiều ca khúc hay về dải đất Bắc miền Trung trong những năm chống Mỹ là nhạc sĩ Xuân Giao. Ông cùng với anh chị em văn nghệ sĩ đã nhiều lần đi phục vụ ở vùng tuyến lửa và để lại nhiều nhạc phẩm mang tính thời sự nóng hổi của hiện thực chiến tranh vừa truyền cảm sức mạnh tinh thần to lớn của đoàn quân ra tiền tuyến: Giữ biển trời Quảng Bình – Vĩnh Linh (1966), Cô gái mở đường (1966), Chào sông Mã anh hùng (1967)… Trong những ca khúc trữ tình cách mạng của Xuân Giao, đặc sắc nhất là Cô gái mở đường. Ca khúc đã mở ra một không gian huyền thoại: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng? Phải chăng em, cô gái mở đường? Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”. Ca khúc Cô gái mở đường đã trở thành bài hát truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, là bài ca đi cùng năm tháng trong kho tàng âm nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Xuân Giao cũng nổi tiếng với bài hát Chào sông Mã anh hùng ca ngợi những chiến công to lớn của quân dân ta ở trận địa Hàm Rồng ác liệt. Bằng giai điệu trầm hùng mà tha thiết, hòa quyện nhạc điệu tiếng hò sông Mã và âm nhạc hiện đại, ca khúc đã tái hiện sinh động vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống bên bờ sông Mã vừa khắc họa sinh động tinh thần bất khuất kiên cường của quân và dân ta chiến đấu chống quân thù nơi tuyến lửa khu 4.

Ngoài những tác phẩm của Hoàng Vân và Xuân Giao, còn có bao ca khúc trữ tình hùng tráng viết thời chống Mỹ khơi nguồn cảm hứng từ cuộc sống kháng chiến vùng quân khu 4 còn sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ như: Người con gái sông La (Doãn Nho), Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Gửi Cồn Cỏ anh hùng (Trọng Loan) … Những ca khúc ấy có nhạc điệu sôi nổi, hào hùng mà trữ tình đằm thắm; kết hợp hài hòa giữa chất liệu dân ca vùng đất miền Trung và nhịp điệu cuộc sống trong chiến tranh. Những bài hát đó tham gia vào cuộc kháng chiến, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; thể hiện tập trung ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần lạc quan, tình cảm yêu nước nồng nàn của quân và dân khu 4 nói riêng và quân dân cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

2.2. Những tác phẩm văn chương được khơi nguồn cảm hứng từ vùng tuyến lửa

Cũng như âm nhạc, thơ ca là thể loại văn học gắn liền với cảm xúc trực tiếp của tâm hồn nên rất nhạy cảm trước những vấn đề chung của nhân dân, dân tộc. Khi giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, cả nước cùng ra trận, chúng ta có nền thơ chống Mỹ cứu nước tràn đầy khí thế hào hùng và niềm lạc quan cách mạng. Trong những ngày chiến tranh khốc liệt ấy, đội quân văn nghệ sĩ với tinh thần chiến sĩ đã lên đường vào tuyến lửa khu 4 để đồng hành cùng nhân dân chiến đấu chống quân thù xâm lược. Có mặt trên chặng đường hành quân vào tuyến lửa những năm tháng ấy có các nhà thơ lớp trước như Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Chính Hữu…Tiếp đến là thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ như Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Dương Hương Ly, Mã Giang Lân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Cảnh Trà, Vũ Đình Văn, Lâm Thị Mỹ Dạ …Hiện thực đời sống chiến tranh trên mảnh đất khu 4 đã tạo cảm hứng, cung cấp chất liệu để họ viết những bài thơ mang tính thời sự, góp phần cỗ vũ, động viên quân và dân ta chiến đấu anh dũng.

Nhà thơ Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, trong dịp khảo sát tình hình chiến sự vùng quân khu 4 đã có chùm thơ 6 bài được làm từ ngày 20-10 đến ngày 4-11-1965: Chiếc áo xanh, Những ngọn đèn, Đường vào, Bài ca lái xe đêm, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Mẹ Suốt. Chùm thơ có ý nghĩa như nhật kí “đường vào tuyến lửa” ghi nhanh những cảm nghĩ về con người, sự việc trên đường đi. Nổi bật nhất trong chùm thơ ấy là bài Mẹ Suốt, một kí sự sinh động bằng thơ về người mẹ Việt Nam anh hùng mà bình dị. Chọn thể thơ lục bát truyền thống, sử dụng hình thức tự sự và trữ tình, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ cái tôi trữ tình đan xen, tác giả đã khắc họa được một hình tượng nghệ thuật cao đẹp, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhà thơ Huy Cận, trong tập thơ Chiến trường gần, chiến trường xa, có nhiều bài viết về quê hương Hà Tĩnh trong bão lửa, nổi bật là bài Ngã ba Đồng Lộc đầy chiêm nghiệm suy tư về sự hy sinh cao cả của mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Nhà thơ Xuân Diệu trong chuyến đi công tác vào khu 4, tháng 5 năm 1966, đã ghi lại những cảm xúc chân thực về hiện thực chiến đấu của nhân dân vùng tuyến lửa trong bài thơ Những đêm hành quân. Còn Vũ Đình Văn, một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, đã phản ánh hiện thực khốc liệt qua một phóng sự - thơ: Đêm hành quân qua phà Long Đại. Đây là một bến phà ở Quảng Bình, nơi “mảnh bom thù dày hơn sỏi đá”, nơi “tọa độ lửa trên đường Trường sơn”.

Hiện thực đời sống đầy gian khổ, khốc liệt nơi tuyến lửa đã tôi luyện ý chí, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ đồng thời cũng là mảnh đất ươm mầm những sáng tạo thơ ca. Nhiều tác giả đạt Giải thưởng Báo Văn nghệ 1969 – 1970, 1972 – 1973 đã sống và chiến đấu trên tuyến lửa khu 4. Chúng tôi xin nêu 2 trường hợp tiêu biểu: Phạm Tiến Duật và Lâm Thị Mỹ Dạ. Phạm Tiến Duật, người chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn được tặng giải Nhất Giải thưởng Báo Văn nghệ 1969 – 1970 với chùm thơ: Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ. Lâm Thị Mỹ Dạ, cô gái Quảng Bình “khí phách dọc Trường Sơn” mà dịu dàng đôn hậu, được tặng giải Nhất Giải thưởng Báo Văn nghệ 1972 – 1973 với chùm thơ: Khoảng trời, hố bom, Gặt đêm, Tin ở bàn tay, Đường thủ đô. Những bài thơ của Phạm Tiến Duật và Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa lại cho nền thơ chống Mỹ những tiếng nói trẻ trung, sôi nổi, vừa bề bộn chất liệu hiện thực vừa giàu tính triết lí sâu sắc về nhân nhân và đất nước trong thử thách chiến tranh.

Nổi bật trong thơ Phạm Tiến Duật là hình tượng người lính lái xe ngang tàng, dũng cảm, coi thường khó khăn gian khổ, vượt qua bom đạn để đưa hàng ra tiền tuyến. Một hình tượng nghệ thuật được Phạm Tiến Duật và Lâm Thị Mỹ Dạ khắc họa rất thành công là cô gái thanh niên xung phong làm đường, thông xe ra hỏa tuyến. Bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ các cô gái làm đường ở Hà Tĩnh, từ câu chuyện vui đùa của tuổi trẻ, nhà thơ đã ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn và khí phách của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm chống Mỹ. Cũng viết về những cô gái thanh niên xung phong mở đường, trong bài Khoảng trời, hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ tập trung vào hành động hy sinh anh dũng gây xúc động mãnh liệt: “Chuyện kẻ rằng: em, cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…”. Từ hành động hy sinh cao cả của cô gái, từ hình ảnh khoảng trời in trong nước hố bom, nhà thơ đã bộc lộ những suy nghĩ sâu sắc về sức mạnh tâm hồn và khả năng soi sáng, lan tỏa của tình cảm yêu nước.

Đồng hành cùng đội ngũ nhà thơ đông đảo, các nhà văn cũng hăm hở xông ra tiền tuyến với tinh thần người chiến sĩ. Nhà văn Nguyễn Khải ra trận địa đảo Cồn Cỏ suốt tháng 7 và tháng 8 năm 1965 và có ngay tập kí sự Họ sống và chiến đấu (tháng 8-1965). Từ chất liệu cuộc sống của người chiến sĩ nơi tiền tiêu, mấy năm sau ông có thêm hai cuốn tiểu thuyết giàu chất sử thi: Ra đảo (1970) và Chiến sĩ (1973). Nhà văn Bùi Hiển trong hai chuyến đi vào tuyến lửa có tập truyện ngắn Đường lớn (1966), phản ánh chân thực sinh động về cuộc sống chiến đấu của quân dân khu 4 trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu, với chất sống bề bộn của xứ Nghệ đã viết về hậu phương lớn sát vai cùng tiền tuyến lớn trong tiểu thuyết Cửa sông (1967). Từ mảnh đất Hà Tĩnh đầy bom cày đạn xé, Nguyễn Khắc Phê có tập ký sự Vì sự sống con đường (1968), Vũ Hữu Ái từ đất cảng Hải Phòng xung phong vào tuyến lửa làm đường ra mặt trận và có tập truyện đặc sắc Những người mở đường (1971). Nhà văn Xuân Thiều lăn lộn ở chiến trường Bình Trị Thiên và phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân một xã vùng sâu ngoại ô Huế qua cuốn tiểu thuyết có tên giản dị Thôn ven đường (1971).

Văn học thời kỳ kháng chiến đã thực hiện sứ mệnh lịch sử lớn lao là góp phần đánh giặc cứu nước. Các nhà văn đồng hành cùng với quân và dân trong cuộc chiến đấu, là chiến sĩ cầm súng và cầm bút để ghi lại cuộc đời mình và đồng đội mình. Đó là tiếng nói tràn đầy lý tưởng chiến đấu và chiến thắng, là tiếng hát lạc quan của người ra trận. Những áng văn chương đó có sức mạnh như những đoàn quân, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc.

2.3. Hiện thực cuộc sống vùng tuyến lửa trong sáng tác sân khấu, điện ảnh

Trên địa hạt sân khấu, hiện thực chiến tranh vùng tuyến lửa khu 4 cũng được phản ánh chân thực sinh động. Nổi bật là các vở kịch Tiền tuyến gọi (1967) của Trần Quán Anh, được dựng thành phim năm 1970; Đôi mắt (1967) của Vũ Dũng Minh, Đại đội trưởng của tôi (1974) của Đào Hồng Cẩm.

Trần Quán Anh, tác giả của kịch bản Tiền tuyến gọi là một bác sĩ đã nhiều lần vào phục vụ quân dân vùng tuyến lửa khu 4 trong những năm 1965 -1967. Những hình ảnh các tập thể, cá nhân ngành y bám theo các đoàn quân, các đơn vị thanh niên xung phong ra trận đã thôi thúc bác sĩ cầm bút. Các nhân vật chính trong vở kịch đều có nguyên mẫu trong đời sống, là những người đồng nghiệp của tác giả nơi chiến trường, ở bệnh viện hoặc trường đại học. Năm 1967 vở kịch Tiền tuyến gọi được đoàn kịch Hà Nội dàn dựng thu hút hàng vạn khán giả nô nức đi xem. Vở kịch đã phản ánh được những đóng góp to lớn và những hi sinh cao cả của những người chiến sĩ áo trắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1970, Xưởng phim truyện Việt Nam dựng thành phim và sức lan tỏa càng rộng rãi, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật thời kì đó. Vở kịch Đôi mắt cũng được bác sĩ quân y Vũ Dũng Minh viết năm 1967 tại vùng tuyến lửa khu 4. Vở kịch lấy bối cảnh trạm quân y dã chiến ở núi rừng Trường Sơn sau cơn mưa bom bão đạn. Trong không gian ấy có ba nhân vật chính: Người chiến sĩ bị thương ở mắt, một bác sĩ và cô y tá. Tình huống kịch xảy ra khi xuất hiện mối tình tay ba. Nhưng với tình cảm trong sáng cao đẹp, những người chiến sĩ áo trắng đã tậm tâm vì đồng đội, vì sự nghiệp chung để đưa lại ánh sáng cho đôi mắt thương binh.

Vở kịch Đại đội trưởng của tôi do Đào Hồng Cẩm viết lấy chất liệu trực tiếp ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hơn thế nữa, nhân vật “Đại đội trưởng” được xây dựng từ nguyễn mẫu Nguyễn Huy Hiệu, một đại đội trưởng ở Trung đoàn 27, nổi tiếng dũng cảm và giỏi chỉ huy chiến đấu. Đào Hồng Cẩm gặp gỡ, chia sẻ, tâm đầu ý hợp, yêu quý, cảm phục người đại đội trưởng trẻ tuổi ấy. Chính hiện thực cuộc sống chiến đấu hào hùng ở chiến trường và tình cảm mãnh liệt đối với người đại đội trưởng anh hùng đã tạo nguồn cảm hứng cho tác giả viết vở kịch nổi tiếng Đại đội trưởng của tôi. Vở kịch sử dụng nhiều chi tiết có thật trong cuộc sống chiến đấu của Trung đoàn 27 (còn được gọi Trung đoàn Đỏ Nghệ An) và nhiều tình tiết trong cuộc đời thật của Nguyễn Huy Hiệu nhưng vẫn đạt được tính điển hình cao, trở thành tác phẩm xuất sắc nhất của Đào Hồng Cẩm.

Tuy là loại hình nghệ thuật non trẻ nhưng điện ảnh đã sớm góp phần vào trận chiến chống Mỹ, trong đó có những bộ phim trực tiếp phản ánh hiện thực chiến tranh vùng tuyến lửa khu 4. Các nghệ sĩ – chiến sĩ điện ảnh đến vùng địa đầu giới tuyến, làm việc dưới những trận mưa bom, những làn đạn pháo để trực quay những thước phim tư liệu, tìm chất liệu đời sống xây dựng kịch bản điện ảnh về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta.

Các bộ phim tài liệu đặc sắc về vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình lần lượt ra đời trong những tháng ngày vô cùng gian lao và oanh liệt ấy: Ngọn cờ Hiền Lương, Lũy thép Vĩnh Linh, Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh Nhân dân, Bên bờ Bến Hải, Cồn Cỏ anh hùngTiếp nối và song hành với các bộ phim tài liệu, các phim truyện về vùng tuyến lửa cũng được sản xuất rất khẩn trương trong và sau chiến tranh. Tiêu biểu là các bộ phim: Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm (1972, kịch bản Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh), Ngã ba Đồng Lộc (1997, kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Đời cát (1999, kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Mùi cỏ cháy (2011, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) … 

Phần lớn những bộ phim trên đều dựa vào những nguyên mẫu trong hiện thực cuộc sống kháng chiến chống Mỹ ở vùng khu 4. Nhân vật chính của bộ phim Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm là chị Dịu có nguyên mẫu là chị Hoàng Thị Thảo, Bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng xã Gio Hà huyện Gio Linh. Trong quá trình đóng vai Dịu, nghệ sĩ Trà Giang nhiều lần gặp gỡ chị Thảo để tìm hiểu chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và nhờ thế Trà Giang diễn xuất rất thành công vai Dịu, được Hội đồng Hòa bình Thế giới tặng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất bộ phim Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm trong cuộc liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973. 

Bộ phim Ngã ba Đồng Lộc dựa trên sự kiện có thật về 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã hy sinh anh dũng trong trận bom lúc 16 giờ 30 ngày 24 tháng 7 năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ sự kiện đó, các nhà làm phim đã tìm các nhân chứng, nghiên cứu các tài liệu, tìm các vai diễn ở ở Đại học Sư phạm Vinh, học sinh trung học trong vùng, còn vai tiểu đội trưởng Võ Thi Tần thì giao cho nghệ sĩ quan họ Thúy Hường diễn xuất. Với nhiều công phu, tâm huyết và sáng tạo của tập thể tác giả, bộ phim đã khắc họa thật chân thực, sinh động cuộc đời thanh niên sôi nổi, hồn nhiên, cao đẹp và sự hy sinh anh dũng của các cô gái thanh niên xung phong trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình tượng những cô gái thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước là một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp nhất, mang tính lịch sử trong văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại. Hình tượng đó thể hiện tập trung chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kháng chiến, phản ánh những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh: Bình thường mà vĩ đại; anh dũng, kiên cường, bất khuất mà dịu dàng, lạc quan, tràn đầy nhân ái.

 Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy". Ảnh do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cung cấp.

Bộ phim Mùi cỏ cháy tập trung khắc họa hiện thực chiến tranh khốc liệt suốt 81 ngày đêm năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị, nơi đã có hơn 16 ngàn chiến sĩ anh dũng hy sinh để giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và nhiều sinh viên tạm xếp bút nghiên nơi giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội lên đường ra mặt trận ngày 6-9-1971. Dựa vào cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc (nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, Nxb Thanh niên, 2005), nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã viết kịch bản phim Mùi cỏ cháy, Nguyễn Hữu Mười dựng phim năm 2011. Đây là một trong những bộ phim hay nhất về đề tài chiến tranh chống Mỹ, được tặng Giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (tháng 12-2011), Giải Cánh Diều Vàng (tháng 3-2012).

Những thành tựu của sân khấu và điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng ở vùng tuyến lửa khu 4 rất đáng tự hào. Để có những vở kịch, những thước phim đó, các nghệ sĩ phải xông xáo trong khói lửa, bom đạn, có khi phải hi sinh xương máu của mình để làm nên những tác phẩm nghệ thuật chân thực, sinh động, nóng hổi tính thời sự và có giá trị nhân văn sâu sắc. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu, điện ảnh đã góp phần thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử lớn lao của văn nghệ thời chiến tranh, sứ mệnh phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước.

3. Để phát huy sức mạnh văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng lực lượng trang thời kì tới 

3.1. Đánh giá thành tựu và đặc điểm nổi bật của văn nghệ thời chống Mỹ

Nhìn lại những thành tựu văn học nghệ thuật viết về hiện thực cuộc sống kháng chiến chống Mỹ ở vùng tuyến lửa khu 4, chúng tôi thấy những điểm nổi bật như sau:

1. Văn học, nghệ thuật trong những năm chống Mỹ đã tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. 

2. Đội ngũ văn nghệ sĩ hăng hái, nhiệt tình, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh có mặt nơi tuyến lửa ngay từ những ngày đầu tiên giặc Mỹ ném bom miền Bắc, sống và viết với tinh thần của người chiến sĩ.

3. Các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh chân thực sinh động cuộc sống chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân dân vùng tuyến lửa khu 4, làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng của quân và dân ta trên tuyến đầu chống Mỹ. Các hình tượng bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân được khắc họa đậm nét, trong đó nhiều hình tượng được xây dựng từ nguyên mẫu trong cuộc sống.

4. Các tác phẩm nghệ thuật viết từ tuyến lửa vừa mang tính thời đại vừa mang tính dân tộc đậm nét. Trong đó bản sắc văn hóa miền Trung Bắc Bộ được các văn nghệ sĩ kế thừa và sáng tạo thành công trong tác phẩm của mình, tạo nên sức hấp dẫn và khả năng lan tỏa rộng lớn. 

3.2. Định hướng và giải pháp phát triển văn học nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ tới

Để phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ phát triển mới của đất nước nói chung và sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước nói riêng, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những công việc sau:

Thứ nhất cần nhận thức sâu sắc về vai trò, tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật nhằm xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thống nhất vừa đa dạng.

Thứ hai cần thể chế hóa chủ trương của Đảng trong chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đầu tư đúng mức cho sự phát triển văn học, nghệ thuật, phát huy sức mạnh văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nhân cách con người trong thời kỳ mới.

Thứ ba thúc đẩy sự phát triển lý luận, phê bình, nghệ cứu văn học, nghệ thuật theo nguyên tắc dân tộc và hiện đại, lấy mỹ học marxist và tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chủ đạo, phát huy lý luận văn nghệ truyền thống của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn nghệ nhân loại. 

Thứ tư đẩy mạnh giao lưu quốc tế trong hoạt động văn nghệ, nhằm tiếp thu những giá trị văn nghệ của nhân loại đồng thời giới thiệu các ấn phẩm văn nghệ Việt Nam ra nước ngoài một cách sâu rộng, hiệu quả.

Thứ năm, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, phê bình, lý luận văn nghệ có năng lực và trình độ cao, có niềm đam mê cống hiến nghệ thuật. Bố trí những người có năng lực chuyên môn phù hợp, có uy tín trong lĩnh vực văn nghệ tham gia quản lý công tác văn hóa, nghệ thuật. Những người quản lý văn nghệ phải thực sự là đồng nghiệp, đồng hành với văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ cho sứ mệnh chấn hưng đất nước.

PGS, TS TRẦN KHÁNH THÀNH, Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...