Văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục xác định tăng cường triển khai văn hóa học đường, nhưng thực tế, các mối quan hệ ứng xử trong nhà trường vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực gây bức xúc trong dư luận. Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh.
Đạo đức nhà giáo đang bị xem nhẹ
Mấy tuần qua, tình trạng giáo viên bạo hành học sinh có chiều hướng gia tăng cả về số vụ việc và mức độ nghiêm trọng. Trong đó, phổ biến là các hành vi đánh đập, xúc phạm, lăng mạ, sỉ nhục học sinh. Đây là hành vi phản giáo dục, gây nên những bức xúc lớn trong dư luận xã hội.
Đau xót trước tình trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đạo đức nhà giáo đang bị xem nhẹ, thầy cô ứng xử không gương mẫu, thiếu tôn trọng học sinh. Với kinh nghiệm nhiều năm làm Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Khi đã chọn nghề giáo thì phải có sự sẻ chia, thương yêu, giúp đỡ học sinh. Nếu không làm được điều đó thì đừng chọn nghề giáo”.
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. |
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong một số vụ việc bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra thời gian qua, phần lớn nạn nhân không chia sẻ, không lên tiếng do không tìm được người tin cậy để có thể nói ra vấn đề mình đang gặp phải. Ông Đặng Hoa Nam cho hay, để hạn chế bạo lực học đường, điều quan trọng là người lớn cần làm sao để trẻ dám nói ra những vấn đề đang gặp phải, dám lên tiếng khi bị bạo lực và bảo đảm rằng các em vẫn được bảo vệ, được giữ bí mật riêng tư.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, việc Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) nói có thể xem xét xử lý học sinh phát tán video bạo hành học sinh là không phù hợp. Bởi việc phát tán video đã giúp phanh phui hành vi bạo hành của cô giáo P, đồng thời cảnh báo cho các học sinh khác về nguy cơ bị bạo hành. Nếu không có video này, cô P có thể tiếp tục bạo hành học sinh, khiến nữ sinh bị tổn thương nghiêm trọng và có thể có hành động dại dột. Nếu người lớn dùng quyền lực để đe dọa học sinh khiến các em lo sợ không dám nói lên những thực tế đáng buồn đó thì bạo lực học đường sẽ còn đau xót hơn.
Làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học
Chia sẻ về xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy mạnh văn hóa học đường trong năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. “Muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh. Đương nhiên một trường học có văn hóa không thể có bạo lực”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng thừa nhận điều đáng tiếc là trong thời gian gần đây, bạo lực học đường diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian học sinh học trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tới tâm lý góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội khiến bạo lực học đường gia tăng, sự kết nối giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, nhiều em học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, đặc biệt là từ bố mẹ....
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đang rà soát, sửa đổi bộ quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Bộ quy tắc này hiện đã được áp dụng tại các trường phổ thông trên cả nước, nhưng cần được rà soát, sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, khi giáo dục đang đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà trường phổ thông tăng cường phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt tâm lý học sinh và giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống; hiệu trưởng cần kiểm soát tình hình, đề phòng và ngăn chặn bạo lực học đường.
Điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT "Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên", quy định ứng xử của giáo viên với người học như sau: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học. |