Trung thu kể chuyện đồng thoại
Vào mỗi mùa trăng tháng tám, bên cạnh không khí nô nức phá cỗ, với chiếc đèn ông sao lấp lánh, bao giờ cũng là giây phút đoàn viên bên mâm cỗ. Lúc này, thật ý nghĩa khi người lớn sẽ kể cho các em thiếu nhi nghe những câu chuyện đồng thoại, được lồng ghép những bài học nhân văn, trở thành kỷ niệm tuổi thơ quý giá.
“Cá Linh đi học” (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2023) của nhà văn Lê Quang Trạng (An Giang) là một truyện dài đồng thoại mới mẻ và ý nghĩa, đưa các bạn nhỏ vào hành trình khám phá và phiêu lưu đầy sáng tạo về một miền sông nước lấp lánh ánh trăng...
“Cá Linh đi học” nối tiếp thành công của tác giả sau truyện dài “Thủ lĩnh băng vịt đồng” xuất bản năm 2019 kể về hành trình vui tươi của ngỗng Cua trong hiện thực nuôi vịt chạy đồng đậm chất Tây Nam Bộ, để lại nhiều dư âm trong lòng độc giả. Lần này, cũng là "phông nền" thiên nhiên sông nước trù phú đó, nhân vật trung tâm của “Cá Linh đi học” là chú Linh Ống đáng yêu, thông minh và có phần lém lỉnh sẽ thực hiện cuộc phiêu lưu đầu đời với nhiều bài học, trải nghiệm và trưởng thành.
Bìa cuốn sách. |
Bằng giọng kể chậm rãi, nhẹ nhàng và giàu tính miêu tả, thế giới dưới lòng sông hiện ra vô cùng sinh động. Thế giới của các bạn cá nhỏ trong câu chuyện được xây dựng tỉ mỉ, hấp dẫn với bạn cá Rô tinh nghịch, trong một lần đùa cợt với đàn kiến đã phải trả một cái giá thật đắt. Hay những mẩu chuyện về sinh thái, như chuyện chú tôm đang bơi tung tăng thì bị một cái bọc ni lông ai đó quăng xuống sông khiến chú mắc kẹt và sống những tháng ngày đau khổ.
Với lòng nhân từ, chú cá Linh nhỏ đã cứu bạn và cùng bạn có những kỷ niệm thật vui. Hay chuyện về gia đình cá Lóc tội nghiệp, bởi ăn phải thức ăn nơi cống nước thải nên ông Lóc mắc bệnh phải đi chạy chữa khắp nơi và bà Lóc một mình bươn chải nuôi con. Những câu chuyện giáo dục sinh thái được tác giả chấm phá thật duyên dáng, tự nhiên. Qua lăng kính mới lạ, các bạn nhỏ sẽ được bước vào thế giới của những chú cá nhỏ, với những đám rong xanh mướt và lâu đài dưới thủy cung sinh động.
Bằng trí tưởng tượng, những diệu kỳ trong trang sách sẽ thật ý nghĩa khi cả nhà cùng nhau ngắm đèn lồng rực rỡ, thưởng thức bánh trung thu và cùng nhau đọc những trang sách hay. Và “Cá Linh đi học” nối tiếp những câu chuyện kể trong đêm trung thu, một lần nữa tô thắm màu xanh thiên nhiên, kết nối thiên nhiên, môi trường sinh thái với các bé bằng sự tưởng tượng và lòng yêu thương được chắp cánh từ trang sách.
Mỗi câu chuyện được kể là mỗi bài học nhỏ, kết nối thiên nhiên với con trẻ, tạo cho các bé niềm vui thích về miền Tây sông nước và yêu mến hơn thiên nhiên đầy hào sảng. Chọn lối kể chuyện đồng thoại để đặt cho nhân vật của mình là những con vật được lên tiếng, tác giả đã làm cho nhân vật không chỉ gần gũi với tuổi thơ mà còn vô cùng sinh động và khai mở cả sự đồng sáng tạo của độc giả.
Với sự miêu tả hiện thực xen lẫn huyền bí, xây dựng nhân vật có cá tính đặc trưng, tác giả không chỉ vẽ ra một khung cảnh sông nước nên thơ mà còn có cả một bầu không khí truyện đầy cuốn hút. Cùng với lối kể chuyện hóm hỉnh, xen những mẩu chuyện cười bên cạnh những câu chuyện cảm động, chứa đựng giá trị nhân văn luôn gây cho độc giả nhỏ tuổi những điều bất ngờ, thú vị và chan chứa yêu thương.
Quyển sách không chỉ thành công về nội dung, mà tính mỹ thuật với những bức tranh minh họa sinh động cũng được các em thiếu nhi yêu thích. Sách không chỉ được đánh giá là tác phẩm văn học thiếu nhi bán chạy trong thời gian qua mà còn được nhiều độc giả khen ngợi, được trưng bày ở nhiều hội sách trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy, “Cá Linh đi học” là cuốn sách đáng đọc đối với các em thiếu nhi.
LÊ MÂY