Trả lại không gian ven biển

LTS: Thời gian qua, vấn đề trả lại không gian ven biển được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi đây là việc làm cấp thiết phục vụ nhu cầu thụ hưởng của người dân và cũng được coi là một trong những giải pháp phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái ven biển.

Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương ven biển miền Trung để làm rõ hơn về vấn đề này cũng như góp phần tìm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn nêu trên...

Bài 1: Thực trạng không gian ven biển

Quá trình khảo sát thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận được nhiều kết quả từ các địa phương như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận... cho các con số khá ấn tượng về những dự án đầu tư và hầu hết đều cho rằng không ảnh hưởng đáng kể đến không gian ven biển. Tuy nhiên, thực tế lại khác...

Resort, khách sạn chắn lối xuống biển

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy dọc đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) và đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), TP Đà Nẵng, các nhà hàng nối tiếp nhau tiếp giáp với bờ biển. Thi thoảng xuất hiện vài khoảng không gian công viên nhỏ hẹp với những người dân đang sinh hoạt vui chơi. Điều dễ nhận thấy là những dự án xây dựng còn dang dở khá nhiều. Quan sát một vị trí đất trống có hàng rào bằng các tấm tôn quây kín, cổng ra-vào khá sơ sài, hiện bãi đất này đang dùng làm bãi đậu xe, trò chuyện với một bảo vệ, ông cho biết: “Tôi tên Đ.B, gia đình ở đường Hà Kỳ Ngộ, tổ 5, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Tôi được thuê trông coi khu đất này qua một người giới thiệu, với thời gian 12 giờ/ngày, thu nhập 5 triệu đồng/tháng, còn của doanh nghiệp nào tôi cũng không rõ. Bình thường vào buổi chiều có nhiều người đến đây gửi xe và xuống tắm biển, đông nhất là những dịp cuối tuần”.

Nhiều địa điểm bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp của TP Đà Nẵng. Ảnh: DUY HIỂN 

Thực tế này không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng mà hiện nay, nhiều địa phương ven biển cả nước, không gian công cộng ven biển đang là vấn đề đau đầu với các nhà quản lý. Chẳng hạn, một số huyện, thành phố của tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định... các nhà hàng, khách sạn, resort án ngữ ven biển, chiếm không gian công cộng rất lớn, khiến người dân muốn xuống tắm biển, sinh hoạt cộng đồng phải chọn địa điểm, lối đi, mặc dù những điều đó nghiễm nhiên thuộc về mình. Điển hình là Khu nghỉ mát Ana Mandara nằm trên đường Trần Phú, tuyến đường đắc địa ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), được xây dựng từ năm 1995. Đến năm 2010, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương thu lại hơn 28.000m2 diện tích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và 10.000m2 mặt nước biển của dự án Ana Mandara để trả lại bờ biển phục vụ cộng đồng. Để thực hiện việc di dời, bù lại tỉnh Khánh Hòa giao cho chủ đầu tư khu nghỉ mát trên 29ha đất tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) để xây dựng Khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh. Khi xây dựng xong dự án ở đây, chủ đầu tư sẽ di dời toàn bộ khu nghỉ mát trên đường Trần Phú. Tuy nhiên, đến nay việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.

Ngay tại phiên chất vấn trực tiếp trong kỳ họp thứ 8 của HĐNĐ tỉnh Khánh Hòa khóa VII, diễn ra mới đây (ngày 9-12), đại biểu Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa chất vấn: “Quy hoạch TP Nha Trang có nhiều công trình xây dựng không đúng quy định, che chắn mặt biển. Đề nghị cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm thực trạng này”. Câu hỏi này tiếp tục nhận được sự trả lời từ các cơ quan có thẩm quyền, nhưng cụ thể mốc thời gian để hoàn thành thì vẫn còn bỏ ngỏ, bởi còn liên quan đến việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chúng ta biết rằng không gian công cộng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nó là thước đo về chất lượng cuộc sống cũng như mức độ đáng sống của một địa phương. Đây là khu vực chung mà mọi người có thể thoải mái tiếp cận. Với địa phương có biển, thì không gian này không chỉ có chức năng du lịch mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Sở dĩ công trình chắn biển vẫn còn tồn tại thời gian qua do nhiều nguyên nhân, mà theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu nhận định: “Các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Sự thiếu sót trong nhận thức đã làm mất đi giá trị cốt lõi của đô thị biển, đặc biệt là giá trị kinh tế trên một đơn vị đô thị. Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư”.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 7-2022, rất nhiều dự án đầu tư xây dựng ven biển tại các tỉnh miền Trung chưa triển khai hoặc chậm tiến độ như ở Khánh Hòa (31 dự án với quy mô hơn 9.800ha), Bình Thuận (147 dự án với quy mô 4.358ha)... Ngoài ra, việc phát triển kinh tế-xã hội của một số địa phương tiểu vùng Nam Trung Bộ chủ yếu tập trung ở dải ven biển, trong khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát triển cân đối, hài hòa, đời sống, sinh kế của người dân còn nhiều khó khăn... Những hạn chế này là do công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện; nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức, thấy lợi ích trước mắt mà chưa thấy lợi ích toàn diện về lâu dài.

“Đất vàng” làm không gian công cộng

Có lẽ dùng từ “đất vàng” là không quá lời để nói Phú Yên, khi địa phương này dùng hơn 26ha đất ven biển cho mục đích làm không gian công cộng. Thay vì xây dựng các khu nghỉ dưỡng, resort tại khu “đất vàng”, thì UBND tỉnh Phú Yên lại đầu tư các công trình công cộng phục vụ người dân và du khách. Đây cũng là địa phương hiếm hoi có tầm nhìn xa cho vấn đề quy hoạch chung không gian công cộng ven biển.

Không gian ven biển của Phú Yên thoáng đãng, sạch đẹp với nhiều cây xanh. Ảnh: TRUNG THI 

Có dịp theo kíp huấn luyện bay trực thăng của Trường Sĩ quan Không quân, nhìn từ độ cao 1.200m, dọc đường Độc Lập (vị trí được coi là “đất vàng” ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), chúng tôi thấy công viên, không gian ven biển thoáng đãng, nhiều cây xanh đã được trồng tạo không gian đẹp. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, trong 4 năm gần đây, Phú Yên đã dành 26ha đất phía Đông đường Độc Lập và gần 400 tỷ đồng để xây công viên biển cùng công trình công cộng mang biểu tượng Phú Yên nằm ven biển. Phía đối diện không gian công cộng đường Độc Lập, các resort, khách sạn, nhà hàng cũng như các cơ quan, công sở cũng được quy hoạch, xây dựng thấp tầng, kết hợp nhiều cây xanh để tạo không gian thoáng mát. Thời gian tới, công viên biển ở Tuy Hòa sẽ tiếp tục được phát triển. Bên cạnh đó, tại TP Tuy Hòa không gian biển sẽ được bố trí với chiều dài hàng chục ki-lô-mét, bao bọc quanh thành phố này.

Trong quy hoạch không gian biển với chiều dài 30km ven biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã và sẽ ưu tiên phần lớn “đất vàng” nằm phía Đông đường Độc Lập để xây dựng công viên biển và các công trình công cộng. Với những công trình phụ nằm bên biển của các khách sạn xây phía Tây đường Độc Lập thì thiết kế phù hợp với cảnh quan và vẫn có lối đi cho người dân. Anh Đào Tấn Bình sống tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho rằng: “Người dân chúng tôi có thể đi tắm biển bất cứ lúc nào mà không phải đi xa, không bị cản trở bởi các công trình chắn biển. Không gian công viên cũng thoáng đãng, không khí trong lành, người dân và du khách có thể tập thể dục, dạo bộ thoải mái”.

Như vậy, đã có sự khác biệt giữa các địa phương trong cách nhìn nhận về tài nguyên, không gian ven biển. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc thiết lập không gian biển, trong một thời gian dài đã có sự hạn chế nhất định, bởi mãi đến tháng 6-2015, Việt Nam mới có Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp đó, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Điều 37 xác định chiều rộng tối thiểu của hành lang bảo vệ bờ biển là 100m hoặc phải bằng chiều rộng tối đa tự nhiên của khu vực bờ thiết lập hành lang. Theo đó, chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Ngoài ra, để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Vì vậy, với các công trình nhà hàng, khách sạn, resort đã có từ lâu mà áp vào Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như Nghị định số 40/2016/NĐ-CP thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu, quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, tạo không gian công cộng đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân. (còn nữa)

Nhóm phóng viên miền Trung - Tây Nguyên

Lượt xem: 40
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết