Tiền Giang: Hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc theo 3 hệ sinh thái tự nhiên

Với vị trí địa lý thuận lợi, có 32 km bờ biển và trải dài trên dòng sông Tiền, Tiền Giang là vùng đất hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát du lịch với nhiều hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú.

Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết, theo quy hoạch của ngành Du lịch, tỉnh đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch, gồm: Vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn. Ở mỗi vùng sinh thái mang đặc điểm riêng. Do đó đã thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế. Những năm gần đây, khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh với tốc độ bình quân trên 15% (là một trong những tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
Vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt nằm ở phía Tây của tỉnh với các vườn cây trái xanh tươi bốn mùa trên các cù lao. Một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước là làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè). Theo ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm kiến trúc văn hóa nhà vườn với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum suê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Ước tính trung bình mỗi năm, làng đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.
Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh. Mỗi năm, nơi đây đón hơn 700.000 lượt khách; trong đó 45% là khách quốc tế. Khu du lịch đã được quy hoạch và đang triển khai xây dựng với diện tích 77 ha, gồm các khu chuyên đề: Khu đón tiếp đường bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu làng xã Nam Bộ, khu nghỉ dưỡng… Khi đến Thới Sơn, du khách xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước hoặc đi bộ trên những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái. Sau khi tham quan những điểm làm kẹo dừa, nấu rượu… truyền thống, du khách có thể ngồi trong những nhà vườn uống trà mật ong, nghe đàn ca tài tử.
Một nét độc đáo khác là vùng sinh thái ngập phèn đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tái hiện ở vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tân Phước). Đây là khu bảo tồn sinh thái ngập phèn độc đáo ở Nam Bộ với những loài động, thực vật đặc hữu như: Tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, rùa, ong mật... phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như là nơi tham quan nghỉ dưỡng.
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước cho biết, tỉnh vừa có chủ trương mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười để bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, diện tích đất trồng khóm lớn với hơn 15.000 ha cũng tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là "rốn lũ, rốn phèn" với tập quán canh tác đặc sắc của người dân. Huyện còn có các làng nghề gắn liền với những cây trồng tại địa phương như: Làng nghề Bàng buông xã Tân Hòa Thành, các cơ sở sản xuất kẹo...
Bên cạnh các lợi thế tự nhiên, huyện Tân Phước còn có 9 di tích văn hóa - lịch sử có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm như: Bến đò Phú Mỹ, Đình Phú Mỹ, Đình Dương Hòa, Miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng... Về du lịch tâm linh, địa phương có 2 cơ sở tôn giáo gồm Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự), Thiền viện Trúc lâm Chánh giác được xem như điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương.
Ngoài ra, khi đến vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn ở phía Đông của Tiền Giang, du khách có thể thả mình trong gió biển Gò Công tại khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương hoặc ngắm bình minh ở biển trên cầu dẫn dài ra biển. Du khách có thể tham quan Di tích văn hóa - lịch sử Lăng mộ Hoàng Gia ở xã Long Hưng (thị xã Gò Công) để tìm hiểu và biết thêm về nơi phát tích của Thái hậu đức độ Từ Dũ; hoặc cuộc đời, sự nghiệp của vị Anh hùng dân tộc Trương Định khi đến Di tích Lăng mộ của ông ở thị xã Gò Công cùng đền thờ ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông)… Tại thị xã Gò Công còn lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông - Tây độc đáo như: Nhà đốc phủ Nguyễn Văn Hải (số 9 Hai Bà Trưng, thị xã Gò Công) được xây dựng năm 1860; Dinh Chánh Tham Biện (còn gọi Dinh Tỉnh trưởng) là dinh thự lớn nhất trong tỉnh nằm trong một khuôn đất rộng, được xây từ năm 1904; Đình Trung được xây cuối thế kỷ XIX…

Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2024, lượt khách đến Tiền Giang đạt 217.000 lượt người, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 81.000 lượt người, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 3,415 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết, với tiềm năng phong phú, đa dạng cùng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và bề dày về lịch sử văn hóa, tỉnh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Việc khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch kết hợp với việc tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của từng vùng sinh thái tự nhiên sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tiền Giang phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập. Năm 2024, tỉnh phấn đấu thu hút tổng lượt khách du lịch đạt 1 triệu 650 ngàn lượt, trong đó có 550 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 1.250 tỷ đồng.
Hiện, tỉnh đã có gần 20 đơn vị kinh doanh lữ hành hoạt động cùng với trên 200 thuyền máy vận chuyển khách du lịch và gần 100 nhà hàng, khách sạn luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế./.

Hữu Chí

Lượt xem: 10
Tác giả: Nguyễn Hữu Chí
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết