Sức hấp dẫn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Với việc không ngừng đổi mới, sáng tạo trong trưng bày, cùng tăng cường tổ chức các hoạt động góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hoá dân tộc và giao lưu văn hóa với các nước; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã cho thấy bước chuyển mình tích cực của một bảo tàng cấp quốc gia để nâng cao chất lượng hoạt động, gần hơn với công chúng.

Từ trưng bày hấp dẫn khách trong nước...

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã xây dựng khu trưng bày “Phòng Hàn Quốc”, nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc đến với người dân Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị giữa 2 nước. Với việc tái hiện 3 không gian chính: Hàn Quốc truyền thống, Hàn Quốc tiếp nối truyền thống và hiện đại và sự năng động của Hàn Quốc hiện đại; sử dụng một số công nghệ hiện đại (VR, AR…); cùng khu vực trải nghiệm trực tiếp văn hóa Hàn Quốc…, “Phòng Hàn Quốc” đã giúp khách tham quan hiểu thêm về đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Hàn Quốc truyền thống và hiện đại.

Thu Trang, sinh viên Đại học Kiến trúc khi tham quan đã bày tỏ rất ấn tượng với khu bếp được bày trí rất tỉ mỉ từ phòng bếp đến không gian ăn uống của cả gia đình. Mai Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao lại bất ngờ với những công nghệ hiện đại mà bảo tàng sử dụng. Nhiều bạn trẻ khác cũng thích thú khi lần đầu tiên được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc và đã kịp chụp cho mình những tấm ảnh tại đây để lưu giữ những khoảnh khắc thú vị này.

Khoảnh khắc đẹp của một bạn trẻ cùng trang phục truyền thống Hàn Quốc với màn hình tương tác bốn mùa. 

Ngoài “Phòng Hàn Quốc”, chương trình Giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam - Hàn Quốc cũng thu hút nhiều khách tham quan hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình. Khánh Ly, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng: “Mình đã thấy thông báo về chương trình cách đây 1 tuần trên fanpage của bảo tàng và háo hức đăng ký ngay. Được tận mắt xem những màn kéo co đặc sắc của hai quốc gia là một trải nghiệm mới mẻ và mình nhận ra giao lưu trao đổi những nét đẹp văn hóa đặc trưng là việc làm có ý nghĩa với cả hai dân tộc”.

Hoạt động trải nghiệm kéo co thú vị tại bảo tàng.

Trên đây chỉ là một trong số nhiều hoạt động thường xuyên mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và giao lưu văn hóa của công chúng, du khách trong và ngoài nước thời gian qua. Trong thời gian trưng bày, tùy nội dung mà bảo tàng đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, giao lưu, học thuật... Cùng với đó, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ; quan tâm tới cảnh quan môi trường, chất lượng dịch vụ phục vụ khách tham quan… cũng được bảo tàng chú trọng. Qua đó, thiết thực và hiệu quả nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân trong thành phố.

...tới ấn tượng với du khách quốc tế

Một trong những điểm hấp dẫn, độc đáo của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là không gian “Vườn kiến trúc” - nơi trưng bày những tổ hợp nhà với những nét văn hóa, kiến trúc riêng của các dân tộc Việt Nam như: Tổ hợp nhà Chăm, nhà người Việt (Kinh), nhà rông Ba Na, nhà dài Ê Đê, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa đất Dao Họ, nhà mồ Gia Rai, nhà mồ Cơ Tu, nhà Mông và nhà Hà Nhì… Đây là nơi không chỉ hấp dẫn khách tham quan trong nước thích thú trải nghiệm, mà cũng là điểm thu hút du khách quốc tế. Anh Michel, người Đức khi được hỏi về ngôi nhà ấn tượng nhất trong “Vườn kiến trúc” đã trả lời: “Tôi thích căn nhà của người Ê Đê. Kiến trúc của căn nhà đó khá thú vị, rất dài, bên trong cảm giác khá ấm cúng”. Còn anh Philippe đến từ Mỹ, sau khi trực tiếp tham quan và trải nghiệm, đã nhận định đây thực sự là một trải nghiệm thú vị trong chuyến du lịch tới Việt Nam lần này của anh.

Một góc không gian "Vườn kiến trúc" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Vì đã sống ở Hà Nội 2 năm và coi du lịch bảo tàng như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, vậy nên đây không phải là lần đầu chị Melissa (Mỹ) tới Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Lần này quay lại Việt Nam du lịch, chị đã rủ bạn bè của mình tới đây tham quan: “Quay trở lại bảo tàng, tôi nhận thấy ở đây có những sự thay đổi nhất định. Ví dụ như các quán cà phê, quán ăn ở đây có vẻ được xây dựng, thiết kế lại. Nhưng ngoại trừ những điều đó, các hiện vật thú vị của bảo tàng - điều khiến tôi yêu thích nơi đây, vẫn được trưng bày và bảo tồn tốt”.

Đi bảo tàng như một thói quen, sở thích để tìm kiếm cảm hứng nghệ thuật cho bản thân. Với chị Jessica (Mỹ), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thật sự là một trải nghiệm ấn tượng: “Tôi cũng thấy bảo tàng hiện đang làm khá tốt. Ở nhiều nước tôi từng tham quan, khi tới thăm các địa điểm du lịch bản địa thường có các diễn viên diễn lại, tái hiện lại các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người dân bản địa trong các khu nhà hiện vật. Tôi thấy ở đây không làm như vậy và tôi khá thích điều đó”. Nếu như một trong những vấn đề của du lịch là việc du khách “một đến không trở lại” thì việc khách quốc tế ấn tượng và quay trở lại, giới thiệu bạn bè tới… đã cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Anh Brian đến từ Mỹ bày tỏ sự yêu thích với bảo tàng và mong nơi đây sẽ ngày càng có thêm nhiều khách du lịch tới trải nghiệm. Thực tế là anh đã rủ cả bạn bè mình tới đây. Nhưng, anh cũng trải lòng một số mong muốn trong chuyến tham quan lần này: “Các khách du lịch tới đây sẽ có trải nghiệm tốt hơn nếu bảo tàng cung cấp các thiết bị tai nghe thuyết minh tự động- audioguide để du khách có thể vừa đi vừa được lắng nghe các thông tin về các dân tộc, các di tích, hiện vật”. Hay như chị Francie và anh Daniel đến từ Đức, tới tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi đọc được một bài báo về festival biểu diễn âm nhạc với các điệu nhảy truyền thống và triển lãm trong một tạp chí trên máy bay. Nhưng khi tới đây anh chị cảm thấy khá tiếc nuối: “Tiếc là tới đây thì chúng tôi không thấy có festival nào cả. Nhưng là những người rất yêu thích tìm hiểu về văn hóa bản địa nên chúng tôi quyết định dành cả ngày tham quan bảo tàng”.

Cặp đôi Francie và Daniel bày tỏ sự tiếc nuối khi bảo tàng không tổ chức festival biểu diễn âm nhạc. 

Tiếp tục lắng nghe phản hồi của du khách và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động vẫn sẽ là điều Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cần làm trong thời gian tới để đáp ứng tốt các nhu cầu của khách tham quan; qua đó, góp phần bảo tồn và giới thiệu, quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...