Quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia (BVQG) là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Thế nhưng, phần lớn BVQG hiện nay chưa được bảo vệ đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ bị mất cắp, hư hại và khiến người dân khó tiếp cận.

Dân chưa hiểu, khó tiếp cận bảo vật quốc gia

Đến Di tích đền-chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) vào dịp cuối tuần, chúng tôi ghi nhận cảnh dòng khách thập phương đến tham quan, tưởng nhớ công đức Nguyên phi Ỷ Lan. Dù chưa có thống kê cụ thể nào về lượng khách, nhưng theo ông Dương Văn Thức, thành viên Ban Quản lý Di tích đền-chùa Bà Tấm: “Nơi đây luôn tấp nập người, xe, đặc biệt là vào dịp đầu xuân. Di tích mới được công nhận là điểm du lịch của xã Dương Xá”.

Dù đón đông đảo du khách nhưng không nhiều người biết Di tích đền-chùa Bà Tấm sở hữu hai BVQG là đôi sư tử điêu khắc bằng đá và cặp khám thờ sơn son thếp vàng. Ông Dương Văn Thức nói: “Mọi người đến đây hầu hết là thành kính dâng hương tri ân công đức các vị tiền nhân. Chúng tôi cũng chỉ trông coi di tích, chưa biết cách nào để lan tỏa giá trị của BVQG đến với nhân dân”.

Nằm cách Di tích đền-chùa Bà Tấm khoảng 40km, đền Nội (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) nổi tiếng là nơi phát tích thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và gắn với Lễ hội Bình Đà đặc sắc. Ít ai biết rằng, đền Nội sở hữu BVQG là bức phù điêu chạm khắc tinh xảo hình ảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền trên nền gỗ quý sơn son thếp vàng. Ngay cả khi biết được thông tin trên thì nhiều người cũng khó tiếp cận, bởi bức phù điêu hiện được lưu giữ ở hậu cung mà theo quy định thì phái nữ không được đặt chân tới. Cụ Nguyễn Chính Chinh, thủ từ đền Nội cho biết: “Để bảo vệ bức phù điêu, chúng tôi thường khóa chặt cửa hậu cung và cắt cử người trông coi ngày đêm”.

Bảo vật quốc gia bức phù điêu về Quốc tổ Lạc Long Quân tại đền Nội (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). 

Tính đến nay, Việt Nam có 265 BVQG được công nhận, trong đó có nhiều BVQG nằm tại các di tích, nơi thờ tự hoặc thuộc sở hữu của tư nhân. Đối với các BVQG nằm trong bảo tàng luôn có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt và có cách truyền tải giá trị đến với nhân dân; còn lại hầu hết BVQG hiện nay được bảo vệ theo kiểu “cất kín trong kho” khiến nhân dân rất khó tiếp cận. Ngay cả khi được cất kín, những người trực tiếp quản lý di tích cũng đứng ngồi không yên bởi thực trạng trộm cắp cổ vật, cùng với việc bảo quản chưa khoa học dẫn đến nhiều BVQG dễ bị hư hỏng.

“Đánh thức” hồn cốt văn hóa - lịch sử dân tộc

BVQG được ví như hồn cốt của văn hóa-lịch sử, kết tinh trong nó những câu chuyện hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Làm gì để những câu chuyện ấy không ngủ quên và trở nên sống động trong đời sống đương đại? Đây là câu hỏi vẫn chưa có lời giải khi hiện nay công tác bảo tồn, phát huy BVQG vẫn chưa được thống nhất, mạnh ai nấy làm. Ngay cả Luật Di sản văn hóa vẫn đang có nhiều điểm bất cập, chồng chéo hay chưa có quy định cụ thể nào về việc gìn giữ, phát huy giá trị BVQG do tư nhân sở hữu. Cụ thể, luật pháp quy định BVQG cần được bảo quản đặc biệt, song hiện nay, các BVQG thuộc sở hữu tư nhân lại đang được giữ gìn theo kiểu... tùy tâm gia chủ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ: “BVQG phải có chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt, đồng thời kết hợp với các biện pháp tuyên truyền để nhân dân hiểu được giá trị đặc biệt đó chứ không phải cứ được công nhận rồi lại bị cất trong kho. Tôi đi nhiều nơi, chứng kiến thực trạng đau lòng khi nhiều BVQG được bảo quản rất kém, tiềm ẩn nguy cơ bị mất cắp và hư hỏng. Nguyên nhân thiếu kinh phí chỉ là một phần, còn lại là nhận thức của nhân dân về giá trị BVQG chưa đầy đủ".

Bảo vật quốc gia cặp khám thờ sơn son thếp vàng tại Di tích đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trăn trở: “Một khi đã xây dựng hồ sơ để Nhà nước công nhận hiện vật là BVQG thì chính quyền địa phương, ban quản lý di tích phải có ý thức bảo vệ, lan tỏa giá trị hiện vật. Tuy nhiên, phần lớn là chạy theo danh hiệu, chỉ muốn có hiện vật được công nhận là BVQG để làm vẻ vang cho quê hương, còn trách nhiệm đi kèm theo quy định pháp luật thì chưa được thực hiện nghiêm túc. BVQG có thể tạo ra sản phẩm lưu niệm của di tích, có thể tạo giá trị gia tăng về văn hóa, kinh tế nhưng dường như chưa mấy ai để ý".

Hiện nhiều ban quản lý di tích, chính quyền địa phương tiến hành số hóa BVQG nhằm giúp người dân dễ tiếp cận và tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của hiện vật. Tiêu biểu như BVQG bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được số hóa nhằm phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, quá trình số hóa BVQG đòi hỏi kinh phí cao và chiêm bái qua công nghệ vẫn không thể bằng “thực mục sở thị”. Thượng tọa Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà bày tỏ: “Chúng tôi muốn xây dựng một khu trưng bày để giới thiệu cổ vật, đặc biệt là BVQG đến đông đảo nhân dân và du khách. Nhưng để làm được điều này cần sự ủng hộ, chung tay góp sức của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm trong xã hội".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa gửi công văn tới các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị BVQG; sớm xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng BVQG, trong đó lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các BVQG.
 

Tags: bảo vật
Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...